Thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND thành phố và Chương trình giám sát năm 2021, trong tháng 3 năm 2021, Ban Pháp chế đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Cuộc bầu cử) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Kết quả giám sát cho thấy, UBND các quận, huyện và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về Cuộc bầu cử; tuân thủ quy trình, thời gian, nội dung yêu cầu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc ứng cử, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được thực hiện theo hướng dẫn, bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu để giới thiệu ứng đại biểu HĐND các cấp. Thể hiện nổi bật ở một số mặt công tác sau:
Thứ nhất, công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, thành phố liên quan đến Cuộc bầu cử được UBND và UBBC quận, huyện quan tâm chỉ đạo kịp thời, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố về Cuộc bầu cử.
Thứ hai, các tổ chức phụ trách bầu cử ở quận, huyện, phường, xã, thị trấn được thành lập bảo đảm đúng thẩm quyền, thời gian, cơ cấu, thành phần, số lượng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; nhiều nơi chủ động thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử sớm hơn thời gian quy định và kịp thời thay thế, điều chỉnh, bổ sung thành viên khi có sự biến động nhân sự tại địa phương.
Thứ ba, công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã được Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp chủ động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, nội dung theo hướng dẫn. Nhìn chung, cơ cấu, thành phần, tỷ lệ, số lượng người được giới thiệu ứng cử cơ bản bảo đảm theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thứ tư, UBBC các cấp thực hiện nghiêm túc việc thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng về địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, phân công thành viên Tổ giúp việc trực tại trụ sở UBBC các cấp để tiếp nhận hồ sơ; kịp thời chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã sau khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đến Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp để tổ chức hiệp thương theo quy định.
Thứ năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được giữ vững, ổn định; chưa phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác nắm tình hình, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tăng cường kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh từ cơ sở liên quan đến công tác bầu cử.
Thứ sáu, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được UBND quận, huyện chú trọng, tăng cường; trên cơ sở phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh Covid-19 trước, trong và sau ngày bầu cử của ngành Y tế, các địa phương đang xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khuyến cáo người dân thực hiện yêu cầu “5K” của Bộ Y tế, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ bảy, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN quận, huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện khá tốt và nhịp nhàng; UBBC các quận, huyện đều thành lập Đoàn kiểm tra công tác bầu cử ở phường, xã, thị trấn trực thuộc, qua đó, kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện pháp luật bầu cử ở cơ sở và báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền những vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật về bầu cử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Pháp chế đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần lưu ý như:
Việc thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử ở một số địa phương còn hạn chế như: chưa cập nhật các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, thành phố về Cuộc bầu cử; còn lúng túng, nhầm lẫn khi thực hiện quy trình lấy ý kiến cử tri nơi công tác để giới thiệu người ứng cử.
Công tác lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc bổ sung kinh phí công tác bầu cử về địa phương còn chưa kịp thời mặc dù HĐND thành phố đã có Nghị quyết quy định nội dung, mức chi phục vụ công tác bầu cử trên địa bàn thành phố.
Việc rà soát, thống kê, chuẩn bị lập danh sách cử tri ở một số địa phương, nhất là địa bàn trung tâm, tập trung đông dân cư, thường xuyên biến động về tình hình cư trú còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bầu cử và tổ chức thành công Cuộc bầu cử, Ban Pháp chế đã có 08 kiến nghị đối với UBND, UBBC quận, huyện, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bầu cử, bảo đảm cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhất là tỉ lệ phụ nữ, người ngoài đảng, người công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai là, UBBC quận, huyện thực hiện tốt và tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng các quy định pháp luật về bầu cử theo từng giai đoạn, tiến độ công việc; bảo đảm thời gian, tiến độ và nội dung việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; việc lập, niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; việc bố trí, trang trí các khu vực bỏ phiếu, công tác bảo quản vật tư, tài liệu phục vụ cho công tác bầu cử,…
Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, cổ động về Cuộc bầu cử cả về chiều rộng và chiều sâu; nhất là tuyên truyền về ý nghĩa của Cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND,...Vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức.
Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, triển khai các phương án phối hợp để bảo vệ an toàn tuyệt đối an ninh trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Ngày bầu cử, trước mắt là tại các địa điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử trên địa bàn thành phố; hội nghị hiệp thương lần ba,...
Năm là, UBND xã, phường, thị trấn bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật về lập và niêm yết danh sách cử tri, nhất là nguyên tắc mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015); đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.
Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cử tri; xác minh, trả lời kịp thời các vụ việc mà cử tri phản ánh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tăng cường chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử, nhất là khiếu nại về danh sách cử tri, khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử; khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu; khiếu nại về kết quả bầu cử.
Bảy là, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình và tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để kịp thời ứng phó với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức Cuộc bầu cử.
Tám là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nghiêm túc thực hiện chế độ thỉnh thị, báo cáo theo quy định; quan tâm hơn nữa việc bố trí cán bộ, công chức có năng lực cho bộ phận tham mưu, giúp việc của UBBC các cấp và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho các thành viên tham gia công tác bầu cử để kịp thời động viên, hỗ trợ theo quy định./.
Quách Trọng Thiện