Giám sát để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, đúng pháp luật

Ngày đăng: 26-04-2021 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
 Trong cuộc kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở tỉnh Quảng Ninh vừa qua, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, phát huy cao độ nhất quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống để người dân thực hiện quyền công dân của mình.
Đồng chí Phạm Văn Hiểu (bên trái), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố, kiểm tra công tác chuẩn bị các bảng niêm yết danh sách, tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên và danh sách cử tri tại Ủy ban bầu cử phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Đồng chí Phạm Văn Hiểu (bên trái), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố, kiểm tra công tác chuẩn bị các bảng niêm yết danh sách, tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên và danh sách cử tri tại Ủy ban bầu cử phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Ðể thực hiện yêu cầu trên, hoạt động giám sát, kiểm tra từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQVN các cấp là hết sức cần thiết. Trong những ngày qua, nhiều đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQVN các cấp đã về các địa phương tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị bầu cử. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều vướng mắc ở cơ sở đã được đoàn công tác và địa phương cùng nhau tháo gỡ kịp thời, đảm bảo cho ngày 23-5 tới thực sự là ngày hội của toàn dân.

Ðầu tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nội dung giám sát, kiểm tra gồm việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan như Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các văn bản của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQVN hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trên cơ sở những nội dung giám sát, kiểm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra các địa phương do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoặc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp. Hoạt động kiểm tra, giám sát chia thành ba đợt, mỗi đoàn đi giám sát tại 2 hoặc 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 10-3 đến ngày 18-3; đợt 2, từ ngày 1-4 đến 17-4; đợt 3, từ ngày 2-5 đến ngày 20-5. Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của các đoàn, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổng hợp báo cáo chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia vào cuối mỗi đợt giám sát.

Cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Kế hoạch và hướng dẫn, thời gian kiểm tra, giám sát chia làm 3 đợt. Ðợt 1, từ ngày 20-2 đến ngày 13-4, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã chủ trì tiến hành giám sát tại 16 tỉnh, thành phố. Ðợt giám sát thứ hai diễn ra từ ngày 20/4-22/5 tới, với việc triển khai 5 đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ðợt 3, giám sát trong ngày tổ chức bầu cử 23-5.