Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, kỳ họp lần thứ 11 HĐND thành phố có nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, đồng thời, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp sát hợp cho những tháng còn lại của năm 2023, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu mà nghị quyết của HĐND thành phố đã đề ra.
Đối với TP Cần Thơ, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, giám sát của HĐND thành phố, sự quyết tâm và trách nhiệm trong tổ chức, điều hành của UBND các cấp, sự đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế toàn thành phố...
Ước tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 3,71% so cùng kỳ năm 2022; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi, tăng cao các mặt hàng chế biến phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp 6 tháng ước tăng 4,09% so với cùng kỳ; tình hình thương mại và dịch vụ có nhiều thuận lợi, các dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, hoạt động lưu trú, du lịch lữ hành tăng đáng kể, có nhiều khởi sắc; sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện tình hình thời tiết thuận lợi, tăng cường giám sát đầu vào vật tư nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá cao so với cùng kỳ; công tác quản lý nhà nước về đô thị, xây dựng, đất đai, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ nhìn nhận: Bên cạnh các kết quả tích cực vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Sự phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực chưa đồng đều; công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu, tiến độ và yêu cầu đề ra; việc thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Công tác thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, các quy định của pháp luật và các nghị quyết, chương trình, đề án của Thành ủy TP Cần Thơ, nhất là việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chưa đảm bảo, kết quả chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra động lực mới cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Còn hạn chế trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chung, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư…, triển khai chậm so với tiến độ đề ra. Tình hình cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tuy được quan tâm nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của thực tế; điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế…
“Trước tình hình đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa và có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023 theo nghị quyết của Thành ủy và HĐND TP Cần Thơ đã đề ra”, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Cần Thơ khoá X, nhiệm kỳ 2021-2025 diễn ra từ ngày 5 đến 7-7. Dự kiến sẽ thông qua 37 báo cáo, 17 dự thảo nghị quyết. Tại kỳ họp lần này, HĐND TP Cần Thơ dự kiến sẽ thông qua quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý điều hành, đầu tư phát triển cũng như trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP nói chung; thông qua quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ nhằm quản lý xây dựng công trình trên địa bàn đảm bảo yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ…