Video clip

4864850

Lượt truy cập

số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpĐang online1091
số người truy cậpHôm nay3355
số người truy cậpHôm qua3783
số người truy cậpTất cả4964850

NQ năm 2003

Nghị quyết số 28/2003/NQ-HĐND ngày 09/01/2003 về việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Cần Thơ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 21 tháng 06 năm 1994;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Xét Tờ trình số 01/UB ngày 08 tháng 01 năm 2003 của UBND tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Cần Thơ ra Nghị quyết chuyên đề về các các giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Cần Thơ;

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của đại biểu Hội dồng nhân dân tỉnh,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1: Hội đồng nhân dân tỉnh Cần Thơ nhất trí thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Cần Thơ

 

Qua những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Cần hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và nông thôn, phát triển vận tải công cộng, kiềm chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe mô tô và xe thô sơ. Trong đó cần tập trung đầu tư và ban hành các chính sách ưu đãi để phát triển nhanh vận tải khách công cộng, trước mắt là phát triển xe buýt ở thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và một số tuyến đường cần thiết khác; ban hành các quy định cụ thể, đồng bộ nhằm hạn chế xe máy, nhất là xe gắn máy chở khách, “xe lôi”, tiến tới giảm dần số lượng xe máy trong nội thành, nội thị; vận động nhân dân tham gia phương tiện giao thông công cộng; có biện pháp phòng chống ùn tắc giao thông tại các nơi như: chợ, cầu, khu đông dân cư, trường học, các nút giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ.

2. Kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm những người điều khiển phương tiện không có bằng lái xe; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm khắc những vi phạm của người điều khiển xe máy theo đúng quy định của pháp luật, như : đua xe trái phép, chạy quá tốc độ, lạng lách, vượt đèn đỏ, chạy sai luồng, sai tuyến, dừng, đậu xe không đúng nơi quy định, điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi, dùng các chất kích thích khi điều khiển phương tiện, chở quá quy định ... ; tăng cường lắp đặt các biển báo, đèn tín hiệu giao thông tại các điểm dễ gây tai nạn và ùn tắc giao thông; Toà án nhân dân đẩy mạnh công tác xét xử các vi phạm về an toàn giao thông thuộc thẩm quyền của Tòa án; thường xuyên kiểm tra các cơ sở đào tạo và công tác sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện, kiểm định phương tiện. Kiên quyết xử lý việc lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông ....

3. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, trong nhà trường và gia đình để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Các phương tiện thông tin đại chúng tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, và các địa phương phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và góp phần làm giảm tai nạn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông. Người tham gia giao thông phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về giao thông.

Mọi công dân có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, góp phần cùng nhà nước và xã hội lập lại trật tự an toàn giao thông.

Điều 2: Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra kế hoạch cụ thể để chỉ đạo cho các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết này, đồng thời, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể triển khai, quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tăng cường giám sát và ra sức động viên nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09 tháng 01 năm 2003.

 

   Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Thanh Vận (đã ký)                                                                                                             

 

 

 

Bản đồ

Liên kết Website

Du lịch cần thơ