Ban Pháp chế HĐND thành phố góp ý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Ngày đăng: 04-04-2018 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa
 
Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thảo luận và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội
về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ về việc xin ý kiến đóng góp dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Sau khi nghiên cứu các văn bản kèm theo các dự án Luật, Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với dự thảo và báo cáo mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, đồng thời đóng góp một số nội dung gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh

Ban Pháp chế cho rằng Dự thảo luật cần quy định cụ thể, phù hợp các đối tượng được triển khai giáo dục quốc phòng; các biện pháp để tăng cường tuyên truyền, nâng cao công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân; nên quy định riêng lực lượng quốc phòng và an ninh trong thực hiện công nghiệp quốc phòng; bổ sung vai trò của địa phương trong thực hiện công nghiệp quốc phòng hoặc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

2. Về giải thích từ ngữ

Ban Pháp chế cho rằng Dự thảo luật cần chọn lọc một số nhóm từ cần thiết để giải thích, nếu các văn bản khác đã có thì không nên đưa vào, tránh văn bản quá dài. Đối với thiết kế tại các Khoản 1 của các Điều 8, 9, 10, 12, 13…đề nghị đưa vào Điều 3 nhóm giải thích từ ngữ (không thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

3. Một số vấn đề cụ thể

Thứ nhất, Ban Pháp chế cho rằng, Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi mới chỉ quy định nhiều về nghĩa vụ của công dân đối với an ninh quốc phòng, trong khi đó thực tế hiện nay cần phát huy quyền công dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vì vậy Luật nên quy định rõ hơn trong Khoản 1 và Khoản 5, Điều 6 và nên bổ sung thêm cụm từ "bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền thiêng liêng và cao quý của công dân" để nâng cao trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của nhân dân đối với an ninh quốc phòng.

Thứ hai, đối với Điều 11 nên thêm cụm từ “bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh” mới đầy đủ ý nghĩa vì trong Dự thảo hiện nay mới chỉ đề cấp đến giáo dục quốc phòng và an ninh, như vậy việc giáo dục mới chỉ dừng lại cho học sinh và sinh viên chứ chưa phải là toàn dân.

Thứ ba, tại Điều 16 quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn còn quá chung chung. Để đảm bảo tính chặt chẽ tại Điều này, Ban Pháp chế đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi, nội dung của việc kết hợp nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định rõ mục đích, nội dung, phạm vi việc quân đội làm kinh tế chủ yếu để xây dựng lực lượng, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Thứ tư, tại Khoản 3 Điều 20 của Luật nên thêm cụm từ “... hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh”.

Thứ năm, đối với nội dung Điều 23 của Luật Quốc phòng sửa đổi, Ban Pháp chế cho rằng, cần xem xét lại thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm đối với cấp huyện và cấp xã, cân nhắc quy định Ủy ban nhân dân ban bố lệnh giới nghiêm cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thẩm quyền quyết định về quốc phòng an ninh của Hội đồng nhân dân, việc ban bố lệnh giới nghiêm cần phải thông qua cấp tỉnh để đảm bảo tính chặt chẽ, trách gây ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Thứ 6, Ban Pháp chế cho rằng cần xem xét lại việc quy định nghĩa vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức cũng như quyền và nghĩa vụ của nhân dân đối với an ninh quốc phòng vì tại Chương này vẫn còn có nhiều điểm chung chưa rõ. Đồng thời nên chuyển nội dung của Chương 1 sang Chương 6 để đảm bảo tính logic trong toàn văn Dự thảo Luật./.  

                                                                                                     Quách Trọng Thiện