Ban đô thị của Hội đồng nhân dân thành phố khảo sát công tác quản lý nhà nước về chất thải

Ngày đăng: 12-06-2019 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

Thực hiện Quyết định số 10/QĐ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2019 và Kế hoạch số 142/KH-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Ban đô thị Hội đồng nhân dân thành phố. Từ ngày 27 đến 29 tháng 5 năm 2019, Đoàn khảo sát của Ban đô thị do ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban đô thị làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát, nắm tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất thải (bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và chất thải y tế) trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt. Tham gia Đoàn có các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố là thành viên Ban đô thị, đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố (chuyên trách), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Văn phòng HĐND thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, Công an thành phố (Phòng Cảnh sát môi trường), Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, chủ đầu tư một số khu công nghiệp, dự án xử lý chất thải (Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ, Trung tâm Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt) và các đơn vị có liên quan.

Đoàn đã đến khảo sát, làm việc về tình hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại một số bệnh viện: Ung Bướu, Đa khoa thành phố, Y học cổ truyền, Phụ sản, Lao và Bệnh phổi. Nhìn chung, chất thải rắn y tế của các bệnh viện được phân loại, thu gom, xử lý theo quy định. Đặc biệt, Bệnh viện Phụ sản đã thực hiện tốt công tác thu gom, phân loại tại nguồn, lưu giữ chất thải rắn y tế (nhà lưu giữ chất thải rắn y tế được chia thành từng khu riêng biệt để lưu chất thải thông thường, chất thải tái chế, chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm), khu vực lưu giữ chất thải lây nhiễm có hệ thống giữ lạnh theo Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; hệ thống xử lý nước thải y tế được kiểm tra hàng ngày, định kỳ quan trắc nước thải đầu ra và đạt cột A theo QCVN 28:2010/BTNMT; các thông số quan trắc môi trường không khí tại Bệnh viện được đảm bảo theo quy định.

(Ban đô thị đến làm việc tại Bệnh viện Phụ sản)

Tuy nhiên, qua khảo sát tại các bệnh viện có một số vấn đề đáng quan tâm nổi lên như: Chất lượng nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa thành phố có 03 thông số chưa đạt so với quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT, nguyên nhân do hệ thống xử lý nước thải hoạt động lâu ngày nhưng không được bảo trì, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước thải đầu ra; nơi tập kết chất thải rắn y tế của Bệnh viện thiếu che chắn, có thể làm chảy nước rỉ rác.

(Ban đô thị đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố)

Dự án đầu tư Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (quy mô 500 giường bệnh, địa điểm trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều) đang trong quá trình xây dựng nên việc xử lý nước thải y tế của Bệnh viện Ung bướu hiện nay (cơ sở I) phải câu nối với hệ thống xử lý nước thải y tế của Bệnh viện Đa khoa thành phố, nước thải y tế tại cơ sở II của Bệnh viện trước khi đổ vào hệ thống cống đạt cột B (tiêu chuẩn nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT).

(Ban đô thị đến làm việc tại Bệnh viện Ung bướu)

Dự án đầu tư Bệnh viện Y học cổ truyền giai đoạn II với 200 giường bệnh đang thực hiện, ảnh hưởng nhất định đến công tác thu gom chất thải lỏng y tế của Bệnh viện, một số phương tiện thi công khi di chuyển đã làm bể đường ống.

(Ban đô thị đến khảo sát tại Bệnh viện Y học cổ truyền)

Từ tháng 8 năm 2018 đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã tiếp nhận, vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn y tế theo mô hình cụm từ vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới khoảng 23,3 tỷ đồng, bao gồm nhà máy xử lý chất thải y tế có công suất 140 kg/giờ (sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao kết hợp với nghiền cắt), 01 xe chuyên dùng có tải trọng 1.870 kg để vận chuyển rác thải y tế,... Hiện nay, đơn vị đã ký hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại cho 08/14 bệnh viện với giá 17.000 đồng/kg,... Vấn đề đặt ra là cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện và các quy định pháp luật để giao việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đối với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đảm bảo đúng quy định hiện hành.

(Công trình xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi)

Ngoài việc đi khảo sát tại các cơ sở y tế trên, Ban đô thị còn yêu cầu Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt báo cáo bằng văn bản tình hình xử lý chất thải y tế. Theo báo cáo của Bệnh viện thì hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2009, trang thiết bị không còn phù hợp về kỹ thuật, công nghệ, một số chỉ tiêu quan trắc (BOD, COD) không đảm bảo tiêu chuẩn nước thải, gây ảnh hưởng đến môi trường, giấy phép xả thải đã hết hạn. Do vậy, phải được quan tâm đầu tư xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện trong thời gian tới.

Đến khảo sát môi trường tại các khu công nghiệp, Đoàn đã làm việc với Trung tâm Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt, đơn vị đã bố trí 03 cán bộ có trình độ chuyên môn để phụ trách về bảo vệ môi trường. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, phân loại riêng, một phần tái sử dụng, phần còn lại hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý theo quy định. Chất thải nguy hại cũng được thu gom, phân loại theo từng loại chất thải nguy hại, dán nhãn, lưu trữ, ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm có báo cáo quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 (công suất 2.500 m3/ngày đêm) được vận hành liên tục 24/24, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, hiện có 05 doanh nghiệp đang đấu nối nước thải vào nhà máy, nước thải sau xử lý đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT. Vấn đề đáng lưu ý là cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp Thốt Nốt phù hợp với tình hình thực tế. Trạm quan trắc đã hư hỏng, không hoạt động gần 02 năm, Trung tâm phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, sớm đấu thầu mua sắm các trang thiết bị để thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận.

 
 
(Trạm quan trắc tại Khu công nghiệp Thốt Nốt ngưng hoạt động
từ ngày 10 tháng 8 năm 2017)  

Đến khảo sát tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Khu công nghiệp Trà Nóc 2 và Nhà máy xử lý nước thải Trà Nóc, Đoàn nhận thấy các thông số môi trường đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ quan trắc, giám sát, bao gồm môi trường không khí bên trong và ngoài khu công nghiệp, thông số ô nhiễm trong đất, nước thải, nước mặt và nước ngầm. Hệ thống thoát nước thải tập trung đã được xây dựng, vận hành, tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp để xử lý đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT trước khi thải ra sông. Qua khảo sát, Đoàn nhận thấy thời gian tới thành phố cần ưu tiên, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiêm môi trường, kêu gọi các dự án sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhằm giảm thiểu phát thải ra môi trường. Ngoài ra, cần thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại để xử lý chất thải phát sinh trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.  

(Ban đô thị đến khảo sát tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1)

Đến khảo sát tại Khu công nghiệp Hưng Phú 1 và 2A, Đoàn có buổi làm việc với Công Ty TNHH Taekwang Cần Thơ (chuyên sản xuất giày dép), nghe đại diện Công ty báo cáo tình hình hoạt động, lượng chất thải phát sinh hàng ngày, quy trình quản lý, phân loại rác, khảo sát hệ thống xử lý nước thải có công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm. Đoàn đã lưu ý Công ty về bảng hiệu, địa điểm lưu giữ rác nguy hại đảm bảo đúng theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không lưu giữ rác thông thường chung với rác nguy hại; kiểm tra, rà soát việc ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải theo quy định.  

Trước khi kết thúc đợt khảo sát, Đoàn đến tái giám sát kết quả thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cần Thơ do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ (tổng mức đầu tư khoảng 494,2 tỷ đồng, công suất nhà máy xử lý nước thải là 30.000 m3/ngày đêm). Đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành, được Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, dự kiến sẽ bàn giao Sở Xây dựng vào quý III năm 2019. Tại buổi làm việc, Đoàn đánh giá cao Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban đô thị tại Báo cáo số 335/BC-HĐND ngày 07 tháng 10 năm 2016, có kế hoạch thi công cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng, có trồng cây xanh bao phủ quanh khuôn viên Nhà máy để đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường. Đoàn lưu ý Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ có giải pháp nâng chất lượng nước thải đầu ra của Nhà máy đạt cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT, đầu tư hệ thống ống để kết nối nước thải đi qua trạm quan trắc, khẩn trương lập thủ tục để được cấp giấy phép xả thải theo quy định,...

(Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ)

Sau đợt khảo sát trên, Đoàn công tác của Ban đô thị đã tổng hợp khá đầy đủ thông tin, nắm cơ bản tình hình quản lý nhà nước về chất thải (bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và chất thải y tế) trên địa bàn để phục vụ cho cuộc họp giám sát của Ban đô thị sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 2019./.

Tin: Thạch Nuôi. Ảnh: Thiện Chơn