Ban đô thị về giám sát công tác tổ chức thực hiện và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố

Ngày đăng: 10-10-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa
Bà Vũ Thị Cánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực
Hội đồng nhân dân thành phố phát biểu tại buổi giám sát

Thực hiện Kế hoạch số 380/KH-HĐND ngày 09 tháng 9 năm 2018 của Ban đô thị về giám sát công tác tổ chức thực hiện và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, ngày 02 và 03 tháng 10 năm 2018, Đoàn giám sát của Ban đô thị đã đi khảo sát thực tế để nắm thực trạng hoạt động của một số nhà máy xử lý rác, lò đốt rác, khu vận hành bãi rác, cũng như tình hình thu gom, vận chuyển và thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở một số quận, huyện: Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Ô Môn, Ninh Kiều và Bình Thủy.

Đoàn khảo sát tại Khu xử lý chất thải rắn ở xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) 

Sau khi khảo sát tại một số địa phương, chiều ngày 05 tháng 10 năm 2018, Ban đô thị có buổi giám sát, làm việc trực tiếp đối với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan công tác cung cấp dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố. Tham dự cùng Đoàn giám sát có bà Vũ Thị Cánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố.

Đại biểu tham dự buổi giám sát

Theo số liệu báo cáo và thống kê được, tổng lượng rác thải thu gom và xử lý mỗi ngày của thành phố khoảng 650 tấn, trong đó xử lý đốt là 60% và chôn lấp 40%. Thời gian qua, công tác quản lý, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cơ bản đã được các sở, ngành, địa phương thực hiện khá tốt, ngày càng đi vào nề nếp; tình trạng rác thải vứt bừa bãi trên các kênh, mương, lề đường, công trình công cộng,… được hạn chế tối đa, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt được các sở, ngành chức năng và địa phương quan tâm triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị. Đối với 04 quận, huyện thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai đã thành lập lực lượng tuyên truyền từ quận, huyện đến phường, xã, thị trấn; Đài Phát thanh thường xuyên đưa tin, phát sóng; ngoài ra, các địa phương còn tuyên truyền trực quan thông qua các panô, băng rôn, cờ phướn, tờ gấp, vận động ký cam kết phân loại rác,... Qua đó, giúp một bộ phận nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn và thực hiện bước đầu cơ bản đạt yêu cầu, cần tiếp tục duy trì thường xuyên hơn, tổng kết, đánh giá hiệu quả, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả thời gian tới.

Về công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2050; trong đó, có xác định tổng nhu cầu phát sinh, xử lý các loại chất thải rắn, thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, nhằm cải thiện chất lượng môi trường, phát triển đô thị bền vững. Để cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chất thải rắn được duyệt, Sở Xây dựng đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, gồm khu xử lý chất thải rắn ở huyện Thới Lai (diện tích khoảng 60 ha, trong đó giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng được 20 ha), khu xử lý chất thải rắn ở quận Ô Môn (diện tích khoảng 47 ha).

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Cổ phần TM&ĐT Công nghệ Ecotech Việt Nam
(đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt ở quận Ô Môn)

Để thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2014 quy định về phân công nhiệm vụ quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, được sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch số 2943/KH-SXD ngày 31 tháng 8 năm 2017 về việc thu gom, phân loại chất thải rắn để các địa phương tuyên truyền, thí điểm phân loại rác tại nguồn. Thực hiện Công văn số 2036/UBND-XDĐT ngày 25 tháng 6 năm 2018 của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã hướng dẫn một số nội dung Tiêu chí đấu thầu đối với công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố tại Công văn số 1965/SXD-HTKT ngày 19 tháng 9 năm 2018.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, Thành phố đã kêu gọi được 04 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác, lò đốt rác; trong đó, có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện ở xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 11 năm 2018 với công suất xử lý 400 tấn rác mỗi ngày (tương đương xử lý đốt 146.000 tấn rác đã phân loại/năm), công suất phát điện từ đốt khoảng 60 triệu KWh/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.054 tỷ đồng, quy mô giai đoạn 1 khoảng 5,3 ha.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện tại huyện Thới Lai)

Ngoài ra, công tác kiểm tra tại các nhà máy xử lý rác, khu xử lý rác được các sở, ngành chức năng thực hiện định kỳ hàng tuần để xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời điều tiết lượng rác, không để rác ứ đọng khi khối lượng tăng đột biến vào các ngày lễ, Tết.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy công tác tuyên truyền pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt ở một số nơi chưa thường xuyên, người dân chưa nắm đầy đủ thông tin để phân loại rác đạt yêu cầu. Tình trạng rác thải rơi rớt trong quá trình lấy rác vẫn còn xảy ra. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo cho xe chuyên dụng thực hiện thu gom, vận chuyển rác, vẫn còn tình trạng sử dụng xe thô sơ (xe đẩy tay, xe kéo rác) để thu gom, vận chuyển rác. Nhân lực, kinh phí và các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Thành phố mới có 02 trạm trung chuyển chất thải rắn, do thiếu trạm trung chuyển rác cố định nên đơn vị thi công phải sử dụng các điểm trung chuyển tạm trên lòng đường, lề đường làm điểm tập kết tạm, đậu xe kéo rác trên vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cảnh quan đô thị, cộng đồng dân cư xung quanh. Công tác quản lý chất thải rắn hiện nay chưa phù hợp với xu thế tái chế, tái sử dụng, mức độ đầu tư công nghệ không cao. Một số bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang bị quá tải, khối lượng rác chôn lấp quá lớn, phát tán mùi hôi, nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường,...

Khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ)

Tại buổi giám sát, các địa phương, đơn vị kiến nghị Thành phố quan tâm bố trí kinh phí cho công tác thí điểm phân loại rác, nhất là chi cho công tác truyền thông; hướng dẫn việc xử lý rác thải nguy hại, địa điểm tập kết, xử lý rác thải không đốt được sau khi thu gom từ hộ gia đình; quan tâm đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác; mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện đóng cửa các bãi rác chôn lấp kèm theo phương án xử lý khối lượng rác đã chôn lấp, có giải pháp xử lý triệt để nước rỉ rác để không phát tán mùi hôi. Trước mắt, cần sớm gia cố bờ bao xung quanh bãi rác ở xã Đông Thắng, phun hóa chất khử mùi hôi, kiểm soát khói bụi, nước rỉ rác tại khu vực này.

Thay mặt Đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban đô thị đề nghị các sở, ngành chức năng tham mưu UBND thành phố sớm ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là phổ biến các quy định về giữ gìn, bảo vệ môi trường, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo định hướng Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt. Sớm có kế hoạch và phương án, lộ trình đóng cửa bãi rác tại 02 khu chôn lấp ở quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ, kèm theo kế hoạch xử lý cụ thể khối lượng rác đã chôn lấp, nước rỉ rác, xử lý khối lượng tro xỉ, rác không đốt được, không để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, bố trí hợp lý các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, tránh để rác ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường./.  

Thạch Nuôi