Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố giám sát tình hình triển khai, quản lý các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố

Ngày đăng: 04-10-2019 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

Sáng ngày 03-10-2019, Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố giám sát tình hình triển khai, quản lý các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, Đoàn giám sát do ông Võ Anh Huy, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố làm trưởng đoàn, các đơn vị được giám sát: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng 2, Ban Quản lý ODA, UBND các quận, huyện. Cùng tham gia Đoàn giám sát có bà Vũ Thị Cánh, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố, đại diện lãnh đạo Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố; Trưởng, Phó các Ban của HĐND thành phố, Lãnh đạo Văn phòng HĐND thành phố, Lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố.


Ông Võ Anh Huy, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố (chính giữa)

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư công năm 2019 thành phố Cần Thơ là 5.698,313 tỷ đồng, bằng 95,07% so với cùng kỳ năm trước, tăng  801,870 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm 2019. Kế hoạch phân bổ tính đến ngày 31/8/2019 là 4.965,200 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là 733,113 tỷ đồng. Ngày 03/9/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 2338/TTr-SKHĐT trình UBND thành phố đề xuất giao bổ sung 563,618 tỷ đồng cho các chủ đầu tư từ các nguồn vốn chưa phân bổ.

Kết quả giải ngân đến ngày 30/9/2019 toàn thành phố là 41,19%. Cấp thành phố giải ngân 1.122,081 tỷ đồng, tỷ lệ 32,86% kế hoạch vốn; cấp huyện giải ngân 910,709 tỷ đồng, tỷ lệ 59,89% kế hoạch vốn. Năm 2019 có 1.036,566 tỷ đồng vốn giải ngân năm 2018 được phép kéo dài sang năm 2019, giải ngân đến ngày 30/9/2019 là 200,190 tỷ đồng, tỷ lệ 19,31%. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn được đánh giá đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân do công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư còn vướng mắc, chủ yếu một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn khiếu nại về giá đất và chính sách hỗ trợ, giải quyết nhu cầu tái định cư, đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất các quận, huyện sáp nhập về các Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận, huyện cũng đã ảnh hưởng một phần đến công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng; một số dự án giao vốn đầu tư đang triển khai thủ tục định giá đất cụ thể, áp giá bồi hoàn, lập và chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu, nên chưa có khối lượng giải ngân; một số dự án sử dụng vốn ODA được Trung ương phân bổ chi tiết trong tháng 7, ảnh hưởng đến số vốn đối ứng đã bố trí chưa thể giải ngân qua hơn 6 tháng đầu năm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự toán, … triển khai thực hiện một số dự án còn chậm; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai kế hoạch vốn. Trong 6 tháng đâu năm chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, kế hoạch đấu thầu, mời thầu...) nên chưa có giá trị khối lượng để giải ngân; một số chủ đầu tư có tâm lý chủ quan về công tác giải ngân như trước đây (vì nếu giải ngân không hết sẽ được phép kéo dài sang năm sau theo luật định) đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả giải ngân kế hoạch vốn.

          Tại buổi giám sát, Ban kinh tế - ngân sách đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát, làm việc với các chủ đầu tư, có biên bản cam kết tiến độ thực hiện, nếu không hoàn thành thì điều chuyển vốn sang các dự án khác và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ, không giải ngân hết vốn được phép kéo dài sang năm 2019, đồng thời, cũng đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện đấu thầu qua mạng đảm bảo đúng tỷ lệ quy định của Trung ương, đánh giá giám sát đầu tư chặt chẽ hơn, qua đánh giá giám sát đầu tư có hạn chế gì và giải pháp khắc phục thời gian tới ra sao, hiện các báo cáo giám sát đánh giá đầu tư chưa thấy đề cập,…

Nguyễn Hoài Phương