Bảo tồn truyền thống, thúc đẩy kinh tế

Ngày đăng: 06-04-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V-2016 do TP Cần Thơ tổ chức sẽ diễn ra tại vòng xoay cồn Cái Khế (quận Ninh Kiều), từ ngày 14 đến 19-4. Với chủ đề "Đặc sản Nam bộ hướng đến hội nhập", Lễ hội năm nay không chỉ kỳ vọng đưa những chiếc bánh quê chinh phục thị trường nội địa và ASEAN mà còn bảo tồn nét đẹp truyền thống.

THƯƠNG HIỆU VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ được TP Cần Thơ tổ chức lần đầu tiên năm 2012 với quy mô Ngày hội, sau đó trở thành hoạt động văn hóa đặc trưng của thành phố mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Năm 2015, lần đầu sự kiện này được tổ chức cấp Lễ hội đã thu hút khoảng 160.000 lượt khách đến tham quan. Năm nay, Lễ hội được chọn là một trong những sự kiện trong chuỗi hoạt động Năm Du lịch Quốc gia- Phú Quốc- ĐBSCL 2016. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Lễ hội, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Lễ hội là sự kiện văn hóa riêng biệt của Cần Thơ, mang tầm vóc quốc gia. Cần Thơ sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thành công Lễ hội, tiếp tục khẳng định thương hiệu văn hóa đặc trưng này".

Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần này cần hướng nhiều đến hoạt động trình diễn, giới thiệu nét độc đáo của bánh dân gian.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết: đến ngày 1-4, có 14 tỉnh, thành đăng ký tham gia Lễ hội với khoảng 100 loại bánh và 50 đặc sản, đã bố trí được 140/150 gian hàng. Riêng khu vực ĐBSCL, có 10/12 tỉnh đã đăng ký tham gia. Ban tổ chức đã mời hơn 20 nghệ nhân ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… trình diễn các công đoạn làm bánh dân gian để phục vụ người xem. Về chương trình Trình diễn và trưng bày Bánh dân gian do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội, có 17 đơn vị đăng ký cùng 9 quận, huyện của TP Cần Thơ tham gia.  Đặc biệt, Lễ hội năm nay sẽ có sự tham gia của 10 quốc gia (Ấn Độ, Thái Lan, Ý, Indonesia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Campuchia) giới thiệu ẩm thực đặc trưng hoặc trình diễn nghệ thuật truyền thống.

Hiện tại, vật liệu xây dựng đã được tập kết tại vòng xoay cồn Cái Khế, có gian hàng, các khu trưng bày đang được thi công. Công tác lắp đặt điện, nước, thùng chứa rác, nhà vệ sinh công cộng… đang được triển khai. Do 7 đường đi từ đường kính vào tâm vòng xoay đã được lát bê tông từ năm 2015 và hệ thống cây xanh, hoa kiểng có sẵn nên cảnh quan tổ chức lễ hội khá khang trang, thông thoáng. Công tác về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cũng được các tiểu ban phục vụ Lễ hội lên kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý khi có sự cố.

Nhắc đến Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, nhiều người nghĩ ngay đến Cần Thơ. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm với Ban Tổ chức Lễ hội. Trong cuộc họp về công tác chuẩn bị Lễ hội, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nhắc các đơn vị liên quan lưu tâm vấn đề an ninh trật tự và nạn "chặt chém" du khách. "Chỉ cần để xảy ra một vụ móc túi là người ta sẽ nhớ hoài Cần Thơ với ấn tượng xấu"- ông Tâm nói. Về vấn đề niêm yết giá, ông Nguyễn Khánh Tùng cho biết sẽ quy định các gian hàng niêm yết giá ngay từ đầu và ban tổ chức sẽ cử người theo dõi, kiểm tra suốt lễ hội, tránh tình trạng "tăng giá theo lượng khách".

GIỮ BẢN SẮC BÁNH DÂN GIAN

Điều mà nhiều người tâm huyết với văn hóa dân gian Nam bộ băn khoăn là dường như yếu tố thương mại đang lấn át dần yếu tố văn hóa tại Lễ hội. Ông Nguyễn Khánh Tùng cho biết, Ban Tổ chức luôn đặt yếu tố tôn vinh giá trị văn hóa làm trọng tâm cho các hoạt động. Minh chứng là năm nay, các hoạt động trình diễn, giới thiệu bánh dân gian khá dày đặc. Khách tham quan không chỉ được thưởng thức mà còn tận mắt theo dõi cách làm bánh của nghệ nhân. Nghệ nhân Neáng Phương (tỉnh An Giang) đã nhiều năm liền tham gia Lễ hội, nói: "Tôi rất vui vì chiếc bánh Ka-tum đặc trưng của dân tộc Khmer được khách tham quan thích thú. Họ nhìn tôi làm từng chút và mua về kỷ niệm".

Đặc biệt, trong chương trình Trình diễn và trưng bày Bánh dân gian, ban tổ chức quy định nghệ nhân phải sử dụng ngũ cốc của Việt Nam, không sử dụng bất kỳ nguyên liệu, hương liệu nào của nước ngoài. "Chúng tôi muốn các nghệ nhân đem hết tài hoa và đặc sản quê nhà ra thi tài, góp phần giới thiệu sự phong phú của nông sản Việt"- ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, lý giải.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng (Cần Thơ), cho rằng, thành công của Lễ hội nhiều năm qua đã tạo được "chiều rộng" nhưng cần tạo "chiều sâu văn hóa" nhiều hơn nữa. Ông Nhâm Hùng nói: "Người xem cần được hiểu tô bánh lọt, chiếc bánh xèo mà họ ăn sao có tên gọi như thế. Và không gì lý thú hơn khi nghệ nhân vừa chà bánh lọt hay đổ bánh nghe "xèo xèo" vừa giải thích. Đó mới là trải nghiệm đáng nhớ". Theo ông Hùng, bản chất của Lễ hội là sự tham gia của cộng đồng và dấu ấn tín ngưỡng dân gian. Hai điều này Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ hiện nay đang thiếu. Ban tổ chức cần tổ chức những hoạt động như đấu xảo bánh ngon, cho giới trẻ trải nghiệm quết bánh phồng, chiên bánh xèo, đổ bánh khọt… để họ cảm nhận và hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, thế mạnh của địa điểm tổ chức Lễ hội là có đình Tân An rất khang trang. Ông Hùng nêu vấn đề, tại sao không tổ chức buổi dâng cúng bánh lên Thần linh, tiền nhân ở đình như tấm lòng thảo thơm của người Cần Thơ hôm nay và tái hiện được giá trị thiêng liêng của chiếc bánh. Bởi suy cho cùng, người Nam bộ làm ra đòn bánh tét, chiếc bánh phồng đầu tiên là để cúng tổ tiên, sau mới hưởng dùng.

Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), nhận định, bánh dân gian Nam bộ có những loại bánh thiêng, dùng dâng cúng. Những kỳ Lễ hội vừa qua chưa thể hiện đặc sắc phần "lễ" mà chú trọng phần "hội"- nghĩa là vui chơi, ăn uống. "Cần tái hiện quy trình làm ra chiếc bánh cho giới trẻ được rõ… Đó là quá trình ông bà ta làm bánh từ hạt nếp, hạt gạo rồi sự ra đời của chiếc cối xay để nghiền nếp, gạo thành bột, sự cộng hưởng của các loại gia vị nông sản"- ông Hiệp nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Lễ hội sắc màu lớn nhất Việt Nam ở Cần Thơ

Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ sẽ có Lễ hội Sắc màu lớn nhất Việt Nam- Mekolor 2016. Điểm nhấn của chương trình là "Đường chạy sắc màu"- dòng người tham gia đường chạy khi qua các cổng màu sẽ được nhuộm màu từ đầu đến chân, chạy qua một số trục đường nội ô thành phố. Kết thúc đường chạy là phần té nước vui nhộn. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều chương trình sôi động khác như thi vẽ tranh, tung màu tập thể, lễ hội của nước Warock…

Lễ hội Sắc màu diễn ra vào ngày 16-4-2016 (nhằm mùng 10-3 âm lịch) tại khu vực công viên sông Hậu (quận Ninh Kiều).