(CT)- Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hơn 10 năm qua, TP Cần Thơ ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Cùng với sự phát triển đó, hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng chất. Đó là cơ sở để ngành du lịch phát triển, thu hút lượng lớn du khách đến với thủ phủ miền Tây, tạo nên sự tăng trưởng đáng kể của ngành trong những năm qua.
* Giao thông thuận tiện
Hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được đầu tư phát triển là nền tảng thuận lợi để TP Cần Thơ kết nối với các tỉnh thành trong vùng và các vùng miền cả nước, đưa du lịch Cần Thơ hội nhập và phát triển bền vững. Năm 2015, TP Cần Thơ có hàng loạt công trình, dự án tác động đến du lịch được khởi công, hoàn thành như: khách sạn Mường Thanh, Lúa Nếp Resort, Trung tâm Thương mại (TTTM) Vincom Hùng Vương, cầu đi bộ Bến Ninh Kiều đến cồn Cái Khế, TTTM Lotte Mart Cần Thơ...; nhiều đường bay mới được khai thác như: Cần Thơ- Đà Lạt, Cần Thơ- Bangkok…
Những du khách đầu tiên của chuyến bay Cần Thơ – Bangkok làm thủ tục tại sân bay Cần Thơ.
Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được thiết kế hiện đại, có công suất phục vụ từ 3- 5 triệu khách/ năm và 5.000 tấn hàng hóa/ năm, được xem là cửa ngõ giao thông để Cần Thơ kết nối với các thành phố khác và quốc tế. Hiện Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đang khai thác 5 tuyến bay nội địa (Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng, Đà Lạt) và 2 tuyến quốc tế (Đài Loan, Bangkok). Công suất các đường bay cũng tăng rõ rệt: tuyến Cần Thơ- Hà Nội hiện có hai hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air khai thác; tuyến Cần Thơ- Đà Nẵng tăng hiệu suất bay mỗi ngày một chuyến; đường bay mới Cần Thơ- Đà Lạt cũng tăng hiệu suất với 70% lượng khách trên mỗi chuyến bay (trước đây chỉ khoảng chừng 58%), dự kiến tăng lên 3 chuyến/ tuần. 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượt khách qua sân bay đạt hơn 225.000 khách và 1.300 tấn hàng hóa, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân thành phố và khu vực ĐBSCL ngày càng nhiều. Ông Lư Trường An, Giám đốc điều hành Thai VietJet Air- đơn vị phối hợp khai thác tuyến bay mới Cần Thơ- Bangkok, cho biết: "TP Cần Thơ là cửa ngõ hàng không của khu vực, việc mở nhiều tuyến bay, nhất là các tuyến quốc tế sẽ giúp thành phố kết nối được với nhiều du khách, tạo cạnh tranh về điểm đến. Cụ thể, việc mở đường bay mới Cần Thơ – Bangkok sẽ góp phần tạo thêm dịch vụ, sản phẩm du lịch mới cho Cần Thơ, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách quốc tế".
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường bộ cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp: cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ chỉ còn 1 giờ 45 phút; tuyến đường Lộ Tẻ- Rạch Sỏi nối Cần Thơ và Kiên Giang dài khoảng 55km, sẽ được khởi công trong quý 4 năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và 2019… Những công trình này góp phần khẳng định vai trò đầu mối trọng điểm về giao thông của vùng và cả nước của TP. Cần Thơ, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch.
* Phong phú điểm đến
Trước đây, Cần Thơ chỉ có một vài điểm đến quen thuộc: chợ nổi Cái Răng, Làng du lịch Mỹ Khánh, nhà cổ Bình Thủy…. Nay, thành phố đã có nhiều điểm đến mới, như: Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, khu du lịch Lung Cột Cầu, hủ tiếu Sáu Hoài… Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: "Thiền viện Trúc lâm Phương Nam là điểm tham quan thu hút du khách nhiều nhất hiện nay tại Phong Điền. Trung bình mỗi tháng điểm này thu hút hơn chục ngàn lượt khách đến tham quan". Cần Thơ còn có nhiều dự án đầu tư về du lịch. Nổi bật nhất là dự án sân golf, khu biệt thự cồn Ấu (quận Cái Răng), khu vui chơi giải trí Vinpearl Land cồn Nổi, do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư…
Những du khách đầu tiên của chuyến bay Bangkok - Cần Thơ.
Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land cồn Nổi (nằm giữa cồn Ấu và cồn Cái Khế, gần Bến Ninh Kiều) có diện tích hơn 12 ha, gồm 6 khu vực: công viên nước, khu ẩm thực, khu vui chơi trong nhà, khu vui chơi gia đình, khu cảm giác mạnh, khu nhạc nước và khu đón tiếp. Ngoài ra, còn có hơn 1 ha phía bên bờ cồn Cái Khế để xây dựng nhà đón tiếp, bến tàu và nhà ga cáp treo dài hơn 300m, chiều cao khoảng 50m, nối với khu vực cồn Nổi. Khu sân golf cồn Ấu có diện tích khoảng 102 ha, gồm sân gofl 18 lỗ và hệ thống cây xanh chiếm hơn 82 ha, còn khoảng 20 ha dành cho các khu biệt thự… Cần Thơ cũng đang kêu gọi đầu tư 8 dự án du lịch, với tổng vốn đầu tư trên 432 triệu USD. Những dự án này góp phần tạo điểm nhấn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho địa phương.
Nếu trước đây, Cần Thơ chỉ có vài siêu thị, chủ yếu khai thác theo kênh mua sắm, thì nay có nhiều dự án khai thác theo hướng khu phức hợp, đa chức năng, phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. TTTM Vincom Hùng Vương 5 tầng vừa đi vào hoạt động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu riêng từ Vincom cùng các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng. TTTM Lotte Mart Cần Thơ cũng đang ráo riết hoàn thiện để đi vào phục vụ vào đầu tháng 9-2015; Vincom Center Cần Thơ của tập đoàn Vingroup cũng đang thi công, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 4-2016.
Hệ thống lưu trú Cần Thơ cũng từng bước thay đổi về số lượng và chất lượng. Hiện Cần Thơ có gần 200 cơ sở lưu trú, trong đó hệ thống khách sạn cao cấp và các khu nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng, được đầu tư kỹ lưỡng, dịch vụ phong phú. Lúa Nếp Resort (Khu bãi bồi đường sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) chuẩn bị đi vào hoạt động với hệ thống dịch vụ đa dạng: nhà hàng ẩm thực dân gian, các resort và khu vực dịch vụ giải trí. Ngoài ra, khách sạn Ninh Kiều 4 sao, cao 15 tầng (đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều) với nhiều dịch vụ giải trí cũng đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2016.
Song song đó, những năm qua, Cần Thơ đã xây dựng và dần hình thành các lễ hội đặc trưng, thu hút du khách gần xa: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc (quận Thốt Nốt), Ngày du lịch thế giới (huyện Phong Điền)…Những sự kiện này đều được mở rộng quy mô, nâng chất, tạo không gian giải trí đặc sắc cho du lịch thành phố.
6 tháng đầu năm 2015, du lịch Cần Thơ đón trên 1 triệu lượt khách tăng 60%, doanh thu du lịch đạt trên 970 tỉ đồng, tăng 85%, so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, ngành du lịch Cần Thơ đặt mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.325 tỉ đồng. Ông Lê Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Đề án điều chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã được thông qua và đang triển khai. Thành phố sẽ khai thác từng thế mạnh của các quận, huyện trên cơ sở tiềm năng chung của thành phố để xây dựng những sản phẩm đặc trưng. Chẳng hạn, Ninh Kiều sẽ phát triển du lịch Mice, Phong Điền gắn với du lịch sinh thái, miệt vườn... Việc đầu tư về hạ tầng du lịch là tiền đề để thiện thực hóa các định hướng này. Trước mắt, ngành sẽ tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đường sông gắn với tham quan di tích văn hóa lịch sử, làng nghề và du lịch sinh thái".
Bài, ảnh: ÁI LAM
- Năm 2003, lượng khách đến Cần Thơ chỉ có trên 355.000 lượt khách. Đến năm 2014, con số này tăng lên 1,3 triệu. Doanh thu du lịch trong giai đoạn này cũng tăng khá nhanh: năm 2003: doanh thu chỉ khoảng 155 tỉ đồng; đến năm 2014: 1.170 tỉ đồng, tăng 7,5 lần. |