CHUYỆN VỀ TRẬN ĐÁNH CẦU CÁI RĂNG LỊCH SỬ...

Ngày đăng: 21-06-2014 - Về Cần Thơ

 

Có người cho rằng “Chuyện đánh cầu Cái Răng hồi đó nghe dễ ợt, chỉ cần thả mìn trôi từ phía Cần Thơ vô cầu Cái Răng là xong...”. Cũng có người nói “Người đánh cầu Cái Răng là người lính gác cầu...”. Từ một dịp may, tôi đã gặp một số người trong cuộc, được nghe kể về diễn biến và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của trận đánh này...

1. “Chuyện đánh cầu Cái Răng có ý nghĩa, xứng đáng đưa vô lịch sử lắm chớ, mà sao tui thấy chỉ nói lớt lớt... Hồi tui còn trẻ khỏe, không thấy ai tới hỏi. Giờ, tui yếu rồi, hay mệt, không kể được nhiều đâu...” - Lúc ông Chín Khương (Phạm Duy Khương), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ thời chống Mỹ, dẫn tôi đến thăm, ông Năm Nghị (Nguyễn Hữu Nghị) nói trong hơi thở khó khăn như đang bị hen suyễn!

Tuy vậy, ông cũng thuật chuyện, trong đó có đoạn: Trước khi vào trận đánh, bà xã ông nấu một nồi cháo vịt đãi hai chàng đặc công. Lúc ăn cháo ngoài đồng, anh Tấn nói với ông: “Con đánh cây cầu này, chắc hy sinh... tía à!”. Ông Năm vỗ vai anh Tấn: “Hy sinh gì! Mầy ráng đánh thắng trận này, về, tao gả con gái cho!”. Lúc ấy, ban cán sự thị trấn Cái Răng phân công Năm Nghị phụ trách một khu vực, trong đó có cầu Cái Răng. Ông quản lý đội biệt động thị trấn; tổ chức gầy dựng cơ sở - gồm bà con đóng đáy trên sông, hai người lính gác cầu, trong đó có một là đảng viên. Khi thấy ông giao cơ sở nắm tình hình, qui luật hoạt động quanh khu vực cầu, có người khuyên: “Ông nói họ đừng nghĩ tới chuyện đánh cầu nghe. Con kiến người ta còn thấy... Vô là chết!”.

Quả thật, theo lịch sử Đảng bộ thị trấn Cái Răng 1930-1975, cầu Cái Răng có vị trí chiến lược quan trọng nên địch phòng thủ rất chặt chẽ. Thường xuyên có ba trung đội trực chiến và gác cầu. Giữa cầu và hai đầu cầu có ba tua gác xoay bảng xe lưu thông. Hai bên lan can cầu cứ cách 10 mét có một người lính gác, có súng. Giữa móng cầu các tua gác trên cao ban đêm pha đèn nhìn rõ xung quanh khoảng 500 mét. Dưới sông, mỗi trụ cầu đều có chốt gác, có rào lưới B40 và hệ thống ghim điện. Lúc cao điểm, nửa giờ địch đóng điện một lần để chống đặc công thủy đưa mìn vào đánh cầu. Cách cầu mỗi bên 30 mét có ba phao nổi để lính ngồi gác, giăng dây kẽm gai rà lườn ghe tàu qua lại. Trên bờ, mỗi bên đều có trạm gác của lính nghĩa quân và cảnh sát, mọi ghe tàu sau khi khám xét xong phải đi ngang qua dây kẽm ngầm (để rà lườn ghe) lần thứ nhất, sau đó phải đi qua dây kẽm ngầm ở các phao gác lần thứ hai, rồi mới được đi. Ban đêm, từ 18 giờ chiều, tuyệt đối người và ghe tàu không được qua lại. Ngoài ra, địch còn tăng cường lực lượng an ninh quân đội, một bộ phận rà mìn bằng hai ghe máy, hai bo bo và hai tàu sắt của đại đội tuần giang 13 - hễ thấy vật trôi khả nghi là chúng ném lựu đạn hoặc bắn thẳng vào đó.

2. Trước đó, ông Võ Thành Đô (Năm Đô) có lần kể tôi nghe: Là Đội trưởng đội đặc công biệt động thị xã Vị Thanh từ năm 1968, ba năm sau, ông được đi học khóa đặc công thủy, rồi được điều về tỉnh, làm Chính trị viên phó đại đội H40. Lúc nhận nhiệm vụ đánh cầu Cái Răng, Năm Đô cùng đại đội trưởng Chiêm Thành Tấn (từ quân y sang) đã đi điều nghiên khoảng trên chục lần. Những ngày này, các đồng chí Tám Thạc, Phó Bí thư thị trấn Cái Răng; Sáu Hy, thị đội trưởng thị trấn; Năm Chiếm (Năm Nghị), phụ trách kinh tài thị trấn - là những người hỗ trợ, dẫn đường cho hai anh đi điều nghiên. Thời gian đó, đêm nào ông Năm cũng đem cơm cho ăn. Về chỗ ở, có lúc, ông Năm phải “giấu” hai anh tuốt trên một ngọn dâu...

 

 Ông bà Năm Nghị (phải) rất vui mừng khi gặp lại ông Võ Thành Đô và bà Kim Ên (trái).

Việc điều nghiên không dễ chút nào! Theo lời ông Năm Nghị, kết hợp lời Năm Đô thì có lần anh Tấn vướng vào đáy, phải dùng dao găm phá lưới thoát ra. Lần khác suýt bị lộ. Khi anh Tấn trồi lên thở, thì một tên lính phòng vệ đang ngồi trong mé bãi “giải quyết sự buồn” bất chợt trông thấy. Hắn lấy dầm bơi tới ngay... Tấn nói: “Nước lớn, ghe bị gài cầu chìm. Anh có thấy ván phên gì trôi không?...”. Hắn đáp không thấy... rồi bỏ đi. Sau đó, ông Năm Nghị phải nhờ cơ sở nghe ngóng tình hình, xem hắn có tỏ ra nghi ngờ, hoặc đồn đãi điều gì không. Cơ sở báo lại, không nghe lời đồn, cũng không nghe được sự hoài nghi nào từ hắn...

Vậy rồi, sau khi nhận lệnh đi đánh cầu Cái Răng, anh Tấn và ông Năm Đô cùng bốn anh em khác, mỗi người vác 20 ký thuốc nổ (TNT và C4), đi theo ông Tám Thạc, Sáu Hy và Năm Nghị từ căn cứ (ở rạch So Đũa lớn) ra vàm Ba Láng, giấu thuốc nổ dưới một đám cỏ rậm rì trong một nghĩa địa. Đó là đêm trước của đêm hành động. Còn đêm sau, ở bữa ăn cháo vịt ngoài đồng lúc hoàng hôn trước khi đi đánh cầu - nghe tôi nhắc lời ông Năm Nghị nói với anh Tấn, và hỏi “Lúc đó anh nghĩ gì, mang tâm trạng thế nào”, Năm Đô cười tủm tỉm: “Lúc đó tui vọt miệng nói vui “ông Tấn có vợ rồi, còn tui chưa có nè!”. Bụng thì nghĩ, người ta nói xanh cỏ, đỏ ngực. Nếu mình chết, thì làm phân bón cho cây cỏ...”. Được biết, khối mìn có gắn kíp nổ “tức thì”, nếu hai chàng đặc công vô tới trụ cầu mà bị lộ, sẽ cho nổ ngay, chấp nhận hy sinh!

Cũng theo lời kể của ông Năm Đô, sau khi ăn cháo vịt, mọi người cùng đi tới nghĩa địa lôi 6 khối thuốc nổ ra, kết lại thành một khối lớn hình chữ nhật. Rồi làm phao bằng khoảng chục cái can nhựa 4 lít, cột khối thuốc nổ phía dưới phao, và hạ thủy... Lúc mọi người đi khỏi, chỉ còn lại hai anh, phát hiện phao mìn không nổi như suy tính, mà chìm hẳn xuống, Năm Đô quay lên bờ chạy theo đoàn người (đã đi khỏi khoảng năm trăm mét) để lấy thêm can... Khi phao mìn được ghép thêm can thì nổi lờ đờ như ý (cách mặt nước độ gang tay) - hai anh đi theo con nước ròng từ vàm Ba Láng xuôi về cầu Cái Răng...

Đã trễ “giờ G”... Khi tiếng súng ta nổ, địch phản công quyết liệt, máy bay thả pháo sáng, lựu đạn ném liên tục xuống khúc sông quanh cầu Cái Răng, hai anh phải “ém” vào vàm Cái Sơn, chờ giây phút “im hơi lặng tiếng” của địch thì nhanh chóng tiến vào trụ cầu... Hai người “nối” với nhau bằng sợi dây cột ngang thắt lưng. Năm Đô vào cắt dây kẽm gai rào trụ cầu, lúc đó anh Tấn đã qua khỏi trụ cầu khoảng hơn mười mét. Hai chân dang ra và một tay bám trụ cầu, tay kia Năm Đô giật dây làm ám hiệu, và ra sức kéo anh Tấn cùng chiếc phao mang khối thuốc nổ 120 ký, ngược dòng trở lại - rồi cả hai nhanh chóng cột phao thuốc nổ vào trụ cầu...

Xong việc, hai anh lặn trở ra, lúc này đã hơn ba giờ sáng. Qua khỏi cầu Đầu Sấu, tới chân cầu tắm nhà ông Ba Thợ - cơ sở của ông Hai Thiếc - gặp bà con thương hồ đang neo ghe quanh đó, Năm Đô nhanh miệng nói: “Tụi tui đi mò tôm, lội ngang sông bị mất quần, xin mượn cái khăn choàng tắm vận lên nhà, rồi trả...”. Rồi, Năm Đô vận khăn tắm leo lên trước, ông Ba Thợ sai con trai đem khăn xuống cho anh Tấn tiếp tục đi lên, xong, đứa con trai ông Ba Thợ lại đem chiếc khăn xuống trả... Vừa lúc ấy, tiếng nổ vang lên từ phía cầu Cái Răng. Nội vụ diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ từ khi hai anh rời khỏi trụ cầu!

3. Lúc kể đến đoạn nghe tiếng nổ ở cầu Cái Răng, tôi thấy mắt ông Năm Nghị như sáng hẳn lên, giọng khỏe ra, đầy tự hào: “Vụ cầu Cái Răng bị ta đánh sập, khoảng trưa hôm đó đài BBC đưa tin liền!”. Ông Chín Khương ngồi cạnh ông Năm Nghị, cũng tươi cười, bổ sung: “Không phải đến trưa, mà là khoảng sáu giờ rưỡi sáng. Lúc ấy, tôi đang ở cơ quan Tỉnh ủy, vừa ngủ dậy, bật đài là nghe liền. Tụi BBC nói rõ: Việt Cộng đã đánh sập cầu Cái Răng vào rạng sáng ngày 7-4-1972. Đây là chiếc cầu giao thông chiến lược của Việt Nam cộng hòa...”. Ông Chín Khương cho biết thêm, trận đánh cầu Cái Răng do đồng chí Tỉnh đội phó Hai Thiếc chỉ huy - kết hợp với trận đánh yếu khu Quang Phong (Phương Bình - Phụng Hiệp) do đồng chí Tỉnh đội trưởng Hai Thành Công chỉ huy. Đây là trận mở màn chiến dịch Quang Trung của Khu Tây Nam Bộ. Mình đánh cầu Cái Răng nhằm cắt đường chi viện của địch về tỉnh Chương Thiện cũ (Vị Thanh) và phá đường giao thông huyết mạch của nó về các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...

Đoạn cuối... ông Năm Đô cho biết thêm: Sau khi lên nhà ông Ba Thợ, hai anh đã ở hầm bí mật tại đây khoảng ba ngày đêm. Do “đồ lặn” trôi mất, địch lại bắc cầu nổi ngang sông, đồng thời chọi lựu đạn xuống sông nhiều hơn - hai anh bị “kẹt” lại. Sau, nhờ chị Kim Ên - người đưa đồng chí Hai Thiếc đi khảo sát cầu Cái Răng trước khi ra quyết định đánh - đem đồ lặn tới và chỉ đường, hai anh đã lội ngang sông đến gần vàm Cái Răng Bé thì lên bờ, rồi lại lội qua sông Cái Răng Bé. Trên bờ, cứ khoảng 100 mét là có lính gác, hai anh lợi dụng thời cơ đổi gác để qua lộ (Đông Dương), về vàm Ba Láng, rồi lội bộ qua So Đũa bé. Ở đây, gặp anh em du kích xã Tân Phú Thạnh nấu cơm cho ăn - lúc ấy khoảng tám chín giờ sáng... Đến khoảng một giờ chiều thì hai anh về tới đơn vị (ở So Đũa lớn). Không thể diễn tả hết nỗi vui mừng của toàn đơn vị. Bởi đã ba bốn ngày qua mà chưa thấy... ai cũng tưởng hai chàng đặc công thủy đã hy sinh!

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG (Cần Thơ Online)