Các Bộ trưởng tiếp tục trả lời chất vấn

Ngày đăng: 19-11-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng tham gia trả lời chất vấn, làm rõ hơn những nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Mở đầu phiên chất vấn sáng 18-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra từ phiên chất vấn chiều 17-11 xoay quanh nội dung phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo Phó Thủ tướng, muốn chống buôn lậu, gian lận thương mại thành công, trước hết phải dựa vào dân và hệ thống chính trị. Vì vậy, phải phát động người dân, nâng cao ý thức của người dân và quan trọng nhất người dân phải thượng tôn pháp luật; vận động người dân không tiêu thụ, không tiếp tay, không bao che, không vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng rất quan trọng trong vấn đề này. Đồng thời phải củng cố lực lượng chủ công chống buôn lậu thật mạnh, đủ khả năng, sức đề kháng, nâng cao phẩm chất, năng lực, nhiệm vụ của các lực lượng này, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc và có chính sách tốt hơn. Lực lượng này gồm 6 cơ quan chủ công là Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an, Cảnh sát biển và ngành Thuế, cùng với cấp ủy, chính quyền có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đồng thời phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, nhất là cá nhân, tổ chức có chủ trương hoặc bao che cho hành động buôn lậu, tổ chức sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép.

9 tháng năm 2014, đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý trên 146.000 vụ việc, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2013; thu nộp ngân sách từ xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu và công tác kiểm tra, thanh tra, truy tố là gần 10.000 tỉ đồng, tăng gần 18%; đã khởi tố 1.147/1.289 đối tượng; trong đó lực lượng Thuế, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Biên phòng đều bắt số vụ cao hơn cùng kỳ, nhưng hàng lậu, hàng giả lọt vào thị trường nước ta còn lớn…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ mở đợt tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm từ nay đến Tết Ất Mùi. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, UBND các địa phương phải vào cuộc bằng các giải pháp cụ thể, các cơ quan tố tụng điều tra truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời loại tội phạm này.

Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu về nội dung quản lý nhà nước về giá. Bộ trưởng cho biết thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đúng quy định của pháp luật, để bình ổn giá, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân kinh doanh; lợi ích của người tiêu dùng và Nhà nước.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số mặt hàng quan trọng như: Điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, nước sạch, giá giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định công nghiệp phụ trợ là một trong những vấn đề rất lớn, quan trọng của đất nước. Khẳng định việc phát triển công nghiệp phụ trợ là vấn đề khó, không đơn giản, bởi theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện khái niệm thế nào là công nghiệp phụ trợ vẫn đang là vấn đề còn tranh luận.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu quan điểm phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay nói cách khác là khối doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng cho rằng "nếu trong chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ không đề cập tới nội dung này sẽ là một sai lầm, ta sẽ loay hoay với việc chọn ngành, nghề nào để phát triển". Bộ trưởng phân tích nếu doanh nghiệp tư nhân được phát triển mạnh mẽ không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng quan trọng phục vụ cho những ngành công nghiệp chính, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Tại phiên chất vấn sáng 18-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ hơn các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn về nội dung phân phối hàng hóa nội địa; trách nhiệm quản lý ngành trong quản lý phân bón giả, kém chất lượng; giá bán lẻ điện…

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Vietnamnet.vn

Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều chất vấn của đại biểu xoay quanh các vấn đề: tinh giản biên chế; cải cách công chức, công vụ; xử lý các tiêu cực trong thi tuyển công chức; việc bổ nhiệm cấp phó, chế độ "hàm" chức danh quản lý lãnh đạo; công tác cử tuyển cán bộ là người dân tộc…, trong đó có những nội dung đã được đại biểu chất vấn tại các kỳ họp trước.

Quan tâm đến vấn đề bổ nhiệm cấp phó quá nhiều, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương khiến cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí và không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định tình trạng lạm phát cấp phó này có liên quan đến hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu và đặt câu hỏi Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này.

Nhận định về nguyên nhân lạm phát cấp phó, Bộ trưởng cho rằng đó là do sức ép của công việc lãnh đạo điều hành của một số cơ quan, lĩnh vực. Nền hành chính của ta họp hành nhiều, nhiều cuộc nếu không phân công cấp phó đi là không được tham dự. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức thiếu tính tính gương mẫu, tập thể cấp ủy, lãnh đạo thiếu sức chiến đấu. Ông cho biết Bộ Nội vụ đã làm gương trong việc giảm cấp phó, từ chỗ có 7 Thứ trưởng, đến nay, Bộ này chỉ còn 4 Thứ trưởng nhưng sự làm gương này chưa được lan tỏa. Ông cũng cho biết, trong các lĩnh vực quản lý của Chính phủ, lĩnh vực tổ chức và cán bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất. Thủ tướng chỉ quản lý diện Thứ trưởng, các chức danh khác được phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh. Do đó, Bộ Nội vụ chỉ có quyền kiến nghị, đề nghị nếu phát hiện sai sót. Nếu kiến nghị đó không được thực hiện, Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý giải quyết. Bộ trưởng khẳng định sắp tới sẽ phải có giải pháp mạnh, tổng thể về số lượng cấp phó, quy định cứng số lượng để thực hiện thống nhất, nơi nào vượt phải tự điều chỉnh trong nội bộ.

Xung quanh hiện tượng dư luận cho rằng có sự vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức trong thực thi công vụ được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định có hiện tượng này và đề nghị vấn đề trên cần được đặt trong phạm trù đạo đức. Theo Bộ trưởng, cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, đòi hỏi tính nguyên tắc, đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Quy định pháp luật cấm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu phiền hà nhân dân, đó cũng là một biện pháp chống bệnh vô cảm mà dư luận nêu.

Giải trình về vấn đề tinh giản biên chế thực hiện trong nhiều năm nhưng không những không giảm mà còn tăng, Bộ trưởng cho rằng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiến hành xây dựng đề án xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó tính cơ cấu của đội ngũ cán bộ công chức viên chức cho phù hợp, nếu làm tốt điều này sẽ xác định được số lượng đội ngũ cán bộ và trình độ năng lực cần phải có để đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi nền công vụ, thay vào đó là những người có đủ trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn. Ảnh: Vnexpress.net

Báo cáo trước Quốc hội về thực trạng tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết từ tháng 1-2003 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng/người/tháng lên 1.150 nghìn đồng/người/tháng, tăng 447,6%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục thống kê công bố 186,6%. Tuy nhiên đến nay sau 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương hiện hành đã phát sinh một số bất hợp lý. Mức lương cơ sở thực hiện từ 1-7-2013 là 1.150 ngàn đồng/người/tháng mới đạt 50% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp dẫn đến các mức lương, ngạch, bậc, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ, mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự là 3,36 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng, đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn khó khăn, hệ thống thang bậc lương còn bình quân, việc đổi mới cơ chế với khu vực đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị là người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực tổ chức, Bộ trưởng cần tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, rèn cho được cả về đức, về tài, tận tuỵ phục vụ nhân dân. Bộ cần quan tâm đặc biệt tới việc kiểm tra, đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng, Chính phủ tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, xem xét bố trí cán bộ cấp phó, thực hiện xác định vị trí việc làm để tinh giản biên chế một các đồng bộ phù hợp với tính chất đặc điểm công việc, tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để tránh tiêu cực, chạy chọt.

Nhóm PV TTXVN