Mới đây, Ban văn hóa - xã hội (VH-XH) của HĐND thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát tình hình tổ chức và hoạt động của các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn thành phố. Qua giám sát nhận thấy các hội có tính chất đặc thù hoạt động khá hiệu quả. Đoàn giám sát cũng đã ghi nhận nhiều khó khăn, vướng mắc của các hội có tính chất đặc thù để kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, giúp các hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ
Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) là Hội có tính chất đặc thù duy nhất hoạt động theo Luật riêng (Luật CTĐ); đồng thời, là một trong những hội có số lượng hội viên đông đảo nhất trong các Hội của thành phố. Hiện nay, ngoài 9 Quận, Huyện hội, 85 Hội xã, phường, thị trấn, Hội CTĐ thành phố còn có 269 Hội CTĐ trường học, 10 Hội CTĐ cơ quan, doanh nghiệp, 630 Chi hội CTĐ ấp, khu vực, 7.170 Tổ hội. Toàn Hội CTĐ thành phố có 65.385 hội viên, 6.967 thanh niên CTĐ xung kích, 4.168 tình nguyện viên phục vụ tại các mô hình nhân đạo dựa vào cộng đồng (bếp ăn tình thương, xe chuyển viện, tổ thuốc nam,…). Nhờ công tác tổ chức chặt chẽ, quan tâm phát triển hội viên,… nên các hoạt động của Hội CTĐ thành phố rất hiệu quả. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, các cấp Hội đã thực hiện công tác xã hội đạt giá trị trên 45,75 tỉ đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả cao, tương đương 39,39 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015. Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, vận động hiến máu tình nguyện đều có kết quả cao… Theo đánh giá của Ban Thường vụ Hội CTĐ thành phố, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các cấp Hội còn tranh thủ vận động xã hội hóa các nguồn để có thêm kinh phí thực hiện chức năng của Hội, trợ giúp nhân đạo… Điểm nhấn là các phong trào "Tết vì người nghèo", cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân một địa chỉ nhân đạo", các mô hình tặng nhà CTĐ, mua sắp xa chuyển viện, tặng quà cho học sinh nghèo; các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho các hộ nghèo;…
Đoàn giám sát làm việc với Ban Thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN thành phố.
Hội nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/DIOXIN thành phố cũng có 3 cấp hội (Thành hội, Quận/Huyện hội và Hội cơ sở). Nhờ đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp Hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn nên hoạt động của Hội NNCĐDC/DIOXIN hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về kinh phí, vật chất, có chế độ, chính sách phù hợp đối với người làm việc tại các Hội;… Theo bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN thành phố, các hoạt động, phong trào, hành động vì NNCĐDC, xoa dịu nỗi đau da cam của các cấp Hội được triển khai sâu rộng, thiết thực thu hút được nhiều người dân, cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất, lẫn tinh thần. Từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, Hội đã vận động được 437 lượt tập thể, 405 lượt cá nhân đóng góp tiền và hiện vật trị giá tương đương 26,7 tỉ đồng. Từ số tiền, quà vận động được, Hội đã chăm sóc tốt cho 4.407 nạn nhân trên địa bàn thành phố. Cụ thể như trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, Hội đã tặng 13.140 phần quà, xây dựng mới 33 mái ấm và sửa chữa 2 mái ấm tình thương, trợ cấp quý cho 60 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 285 suất học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất, mua bán nhỏ, trợ cấp khó khăn đột xuất cho 88 nạn nhân,... với tổng trị giá gần 7,7 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Hội NNCĐDC/DIOXIN thành phố, hoạt động của các cấp Hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; là chỗ dựa tinh thần của nạn nhân, là nhịp cầu tin cậy của nạn nhân với cộng đồng.
Đoàn giám sát ghi nhận trên địa bàn thành phố có 104 tổ chức hội cấp thành phố và 394 hội (chi hội) cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 16 hội có tính chất đặc thù cấp thành phố, 54 hội có tính chất đặc thù cấp quận, huyện, với tổng số 411.106 hội viên. Theo đánh giá của Sở Nội vụ thành phố, sau khi được phép thành lập, các hội có tính chất đặc thù tiến hành đại hội, kiện toàn nhân sự, xây dựng chương trình, nội dung hoạt động. Một số hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp thêm hội viên tham gia các hoạt động. Các hoạt động của các hội có tính chất đặc thù tập trung vào các nội dung, như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học; các hoạt động nhân đạo, xã hội từ thiện; giúp đỡ đối tượng khó khăn;… Nhìn chung, các hội có tính chất đặc thù hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Vẫn còn khó khăn
Mặc dù hoạt động hiệu quả, nhưng các hội có tính chất đặc thù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động, chỗ nơi làm việc chưa đảm bảo, trang thiết bị còn thiếu thốn. Qua giám sát thực tế tại Hội Nhà báo thành phố, Hội NNCĐDC/DIOXIN,… Ban VH-XH nhận thấy các hội đều thiếu kinh phí hoạt động; cán bộ, viên chức làm việc trong trụ sở chật hẹp, không có nơi để xe, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ làm việc thiếu thốn… Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chánh Văn phòng Hội Nhà báo thành phố, cho biết: "Do kinh phí ngân sách bố trí ít nên nhiều năm nay, Văn phòng Hội chưa được trang bị thêm trang thiết bị văn phòng; trong khi, đó các trang thiết bị cũ đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Từ đó, hoạt động của Văn phòng còn gặp nhiều khó khăn". Cũng do khó khăn về kinh phí nên Hội Nhà báo thành phố chưa thể tổ chức 3-4 lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí hằng năm cho hội viên như yêu cầu đặt ra; không đủ kinh phí tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao;…
Ngoài những khó khăn như Hội Nhà báo, lãnh đạo Hội NNCĐDC/DIOXIN thành phố cho biết hiện nay do các Hội cấp xã, phường, thị trấn chưa được công nhận là hội có tính chất đặc thù nên việc thực hiện chế độ thù lao cũng như kinh phí hoạt động chưa thống nhất, không đầy đủ, tùy theo sự "linh động" của địa phương. Cụ thể, trong số 85 Chủ tịch hội cấp xã, còn 14 người (quận Ninh Kiều 12 người và huyện Thới Lai 2 người) chưa được hưởng thù lao (mức 1.0 mức lương cơ bản đối với cán bộ chuyên trách và mức 0.5 mức lương cơ bản/người/tháng đối với cán bộ kiêm nhiệm); 8 người (ở quận Bình Thủy) hưởng mức khoán của địa phương là 400.000 đồng/người/tháng. Bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN thành phố, cho biết thêm: "Quận hội Ninh Kiều là Hội cấp quận thành lập sớm nhất, chỉ sau Thành hội và là đơn vị có nhiều nạn nhân nhất thành phố, do chưa có kinh phí, thù lao cho Chủ tịch Phường hội nên hoạt động của các Phường hội gặp rất khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo quận về vấn đề này, nhưng tình hình vẫn chưa thay đổi". Trong khi đó, Hội CTĐ thành phố lại gặp khó khăn khác, khi số lượng biên chế phân bổ cho các quận, huyện Hội không đồng đều nhau. Có đơn vị phân bổ đến 7 biên chế (quận Ninh Kiều), nhưng có đơn vị chỉ được bố trí chỉ có 2 biên chế (huyện Cờ Đỏ); một số đơn vị Hội xã, phường, thị trấn có chức danh Phó Chủ tịch hội (không hưởng phụ cấp), nhưng có nơi chỉ có chức danh Chủ tịch hội;…
Quan giám sát, Ban VH-XH ghi nhận "tiếng nói" chung của các hội có tính chất đặc thù thành phố là cùng kiến nghị thành phố xem xét giải quyết cho viên chức chuyên trách của các hội có tính chất đặc thù trong biên chế được hưởng phụ cấp công vụ như những công chức, viên chức khối đoàn thể chính trị; các phó Chủ tịch hội cơ sở được hưởng phụ cấp chức vụ;… Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội CTĐ thành phố đề nghị các ngành chức năng của thành phố quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, trình độ lý luận chính trị cho viên chức chuyên trách công tác hội theo quy định về chuẩn hóa cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc vận động kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo của các hội có tính chất đặc thù còn gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố, đề nghị: "Các ngành, các doanh nghiệp lớn của thành phố cần chia sẻ khó khăn của các Hội, quan tâm hỗ trợ kinh phí để các hội hoạt động nhân đạo, từ thiện". Trong khi đó, Hội NNCĐDC/DIOXIN thành phố đề nghị việc vận động nguồn lực phục vụ chính sách an sinh xã hội nên tập trung về một đầu mối là Ủy ban MTTQVN thành phố. Sau đó, tùy theo quy mô, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của từng hội, Ủy ban MTTQVN thành phố phân bổ lại, đưa vào quỹ của các hội để các hội chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ…
Cuối đợt giám sát, bà Đào Thị Lang Phương, Phó Ban VH-XH của HĐND thành phố, cho biết Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của các hội trình Thường trực HĐND xem xét, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành giải quyết. Tuy nhiên, bà Lang Phương yêu cầu Sở Nội vụ thành phố cần chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, nắm tình hình hoạt động, cũng như những khó khăn, vướng mắc của các hội có tính chất đặc thù để kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ các hội. Đồng thời, đối chiếu các quy định của pháp luật, nếu thấy cần thiết, hợp lý thì tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, ban hành nghị quyết nhằm giúp các hội hoạt động tốt hơn nữa.
Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG