(CT)- Sáng 22-5-2015, Ngân hàng Thế giới và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội thảo Thảo luận kết quả báo cáo nghiên cứu công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam- khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, một số loại thông tin về đất đai bắt buộc phải được công khai trên các trang thông tin điện tử và tại trụ sở của chính quyền địa phương các cấp. Do đó, cuối năm 2013, trong khuôn khổ dự án Minh bạch Việt Nam (VTP) do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (UK-Aid) tài trợ, Ngân hàng Thế giới thực hiện khảo sát công khai thông tin đất đai tại 63 tỉnh thành Việt Nam. Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên trang mạng điện tử và khảo sát tại chỗ ở các tỉnh, thành về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; quyết định thu hồi đất, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thông tin về giao đất, cho thuê đất; thông tin về mức phí, lệ phí, thuế liên quan đến đất đai. Qua đó, cho thấy so sánh với một nghiên cứu trước đó vào năm 2010 thì việc công khai thông tin đất đai trên mạng tại các tỉnh, thành có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu của pháp luật. Dù vậy, theo nhóm nghiên cứu, với hình thức công khai này, Cần Thơ dẫn đầu bảng xếp hạng. Còn đối với hình thức công khai tại chỗ thì nhiều địa phương thực hiện tốt hơn, nhưng việc thiếu nhận thức về nghĩa vụ phải cung cấp thông tin của các cán bộ địa phương vẫn còn phổ biến. Để cải thiện tình trạng này, theo nhóm nghiên cứu, yếu tố tác động đến công tác công khai thông tin đất đai là thái độ của công chức, năng lực cung cấp thông tin và sự lãnh đạo ở cấp địa phương. Nhưng cần thiết nhất vẫn là ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
S.H