Cần lựa chọn những người tiêu biểu nhất để giới thiệu ứng cử

Ngày đăng: 29-03-2016 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Sáng ngày 28/03/2016, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) tham gia thảo luận: Cho rằng thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tại địa phương, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực hoạt động của ĐBQH, của các cơ quan Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện chức năng được giao. Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Nhân dân giao phó. Về lập hiến, lập pháp, Quốc hội đã tổng hợp ý kiến của Nhân dân bàn bạc, thảo luận và đi đến quyết định ban hành Hiến pháp năm 2013 với những điểm đổi mới phù hợp với lòng dân, trong đó có 2 điểm quan trọng mà Nhân dân, cử tri rất hoan nghênh là Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đảng viên phải hoạt động trong khung khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân để thể chế hóa đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Các cơ quan của Nhà nước đã khẩn trương soạn thảo trình Quốc hội thẩm tra thảo luận quyết định ban hành trên 100 bộ luật, luật với chất lượng cao nhằm đáp ứng được việc quản lý điều hành của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Đây là một kỳ Quốc hội ban hành nhiều Bộ luật, luật nhất so với các khóa trước.

Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu cho rằng, cử tri đánh giá trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã thảo luận các báo cáo, các đề án của Chính phủ, của các Bộ, ngành, Quốc hội đã kịp thời quyết định các chính sách mang tính quốc kế dân sinh phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước, đã góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp, giảm tốc độ giá tiêu dùng từ 18,13% năm 2011 còn 0,6%/năm, tăng trưởng kinh tế khá, bình quân 5 năm đạt 5,9%, năm 2015 đạt 6,8% trong lúc tăng trưởng toàn cầu chậm. Đây là một sự thành công của Việt Nam, từ đó đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân.

Về thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều nội dung sát với yêu cầu bức xúc của Nhân dân, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới đã đi vào chiều sâu với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, dân chủ, công khai, mang tính chất đối thoại, tranh luận qua từng kỳ họp.

Đại biểu cho rằng, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII và đã theo dõi giám sát đến cùng những vấn đề cử tri và Quốc hội quan tâm, từ đó những bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội đã được đưa ra phân tích, đánh giá và yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, đại biểu cũng cho rằng, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn và cho đây là việc cần được làm thường xuyên để góp phần thúc đẩy những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn luôn rèn luyện và làm tốt nhiệm vụ. Bên cạnh sự đánh giá cao hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua như nêu trên, Đại biểu cũng cho rằng, qua hoạt động tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri đề nghị ĐBQH, các cơ quan Quốc hội kiểm điểm, rút kinh nghiệm những tồn tại sau đây:

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhất là càng về sau ĐBQH vắng mặt, ít phát biểu càng nhiều hơn, một số ĐBQH chưa phản ảnh hết tâm tư, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để Quốc hội bàn bạc và quyết định, một số luật chưa kịp ban hành theo Chương trình, một số luật đã ban hành nhưng chất lượng chưa cao, tình trạng luật ban hành phải chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn, chậm đi vào cuộc sống.

Về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước còn thấp. Đại biểu cho rằng, bất cập này, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, còn có trách nhiệm của Quốc hội; việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, dẫn tới sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn nhiều năm chưa được tháo gỡ, điệp khúc "được mùa rớt giá" diễn ra chậm được khắc phục.

Tình trạng khô hạn, xâm  nhập mặn, thiếu nước ngọt chưa có giải pháp xử lý căn cơ. Hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao, không ít kiến nghị, sau giám sát chưa được giải quyết, thiếu chế tài xử lý, gây bức xúc cho xã hội và người dân. Quốc hội quyết định ngân sách nhưng để vốn vay đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thiếu giám sát, kiểm tra. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục nợ công, nợ quốc gia tăng nhanh, dẫn tới nguy cơ mất an toàn nền tài chính quốc gia nếu không được kiềm chế, kiểm soát.

Về những bài học kinh nghiệm, đại biểu thống nhất với 8 bài học kinh  nghiệm đã nêu. Trong đó, đại biểu quan tâm đến bài học thứ ba là chất lượng ĐBQH có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vì cho rằng, ĐBQH có thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri, tham dự đầy đủ các cuộc họp của Quốc hội, các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội, tham gia phát biểu xây dựng đóng góp luật, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện tốt việc giám sát tối cao thì hoạt động của Quốc hội sẽ mạnh lên, không còn mang tính hình thức.

Về bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu đề nghị khi tổ chức hiệp thương Mặt trận Tổ quốc cần lựa chọn những người tiêu biểu nhất của tổ chức, đơn vị để giới thiệu ứng cử, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử khi được bầu. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm bài học kinh nghiệm về vai trò của cơ quan truyền thông (báo, đài) trong việc đưa tin hoạt động của ĐBQH, các cơ quan Quốc hội để cử tri theo dõi, giám sát./.  

Lê Lạc (lược ghi)