Có chế tài thích đáng để xử lý cán bộ, công chức gây phiền hà doanh nghiệp

Ngày đăng: 28-05-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Sáng ngày 28/5/2014, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, về cơ bản đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, cũng như ban hành mới Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật phát sinh có liên quan, tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; cũng như đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn nhà nước ngày càng công khai, minh bạch có hiệu quả khi đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tham gia thảo luận đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tiếp kiến nghị: Đối với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Dự thảo không nên quy định Chương riêng về doanh nghiệp nhà nước mà chuyển thành loại hình doanh nghiệp khác phù hợp với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh theo quy định chung của luật này, nhằm xóa bỏ một số thành kiến đang tồn tại cho rằng, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng trong hoạt động quản lý nhà nước giữa loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp có vốn ngoài Nhà nước; bổ sung các chế tài thích đáng cụ thể để xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức đăng ký gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; có quy định để ngành chức năng công bố danh mục các ngành nghề được kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời; cho phép doanh nghiệp xã hội được sử dụng 51% lợi nhuận sau thuế đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, và các hoạt động công ích xã hội,… Đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đại biểu đề xuất Dự thảo nên quy định tên gọi như Nghị quyết Quốc hội đã định; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định về phạm vi đầu tư vốn; điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận sau thuế phù hợp với các luật có liên quan; nên giao thẩm quyền quyết định phân bổ vốn đầu tư cho tập thể Chính phủ để đảm bảo tính khách quan hơn; quy định cụ thể cơ quan đầu mối quản lý vốn; bổ sung các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, công dân theo nguyên tắt công khai, minh bạch để đảm bảo cho việc đầu tư đạt hiệu quả, tránh thất thoát,…

Các dự án luật nêu trên sẽ được Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường của kỳ họp./.

Lê Lạc