Chiều 28 tháng 11 năm 2013, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. ĐBQH Nguyễn Minh Kha đã phát biểu:
“…Qua nghiên cứu dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tờ trình của Chính phủ tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây:
Một, tôi cho rằng tại kỳ họp này, Quốc hội lấy ý kiến dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là kịp thời và cần thiết. Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về người nước ngoài chặt chẽ, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nội dung dự luật phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng và an ninh, hoạt động đối ngoại phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật Khóa XIII thông qua dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Trong những năm gần đây nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hàng năm đều tăng, phức tạp trong công tác quản lý. Cần ban hành luật điều chỉnh trên lĩnh vực này
Hai, căn cứ vào Điều 6, Chương ký kết hiệp định thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 quy định: Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo Điều ước quốc tế. Đề nghị nghiên cứu thêm về sự cần thiết quy định trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định này thì áp dụng quy định điều ước quốc tế tại Khoản 1, Điều 2 dự thảo luật. Nhất trí với những nguyên tắc, quy định tại Khoản 3 dự thảo của Chính phủ trình. Tại Khoản 5, Điều 3 cần quy định cụ thể hơn trường hợp đơn phương miễn thị thực. Chính phủ có trách nhiệm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia, đáp ứng yêu cầu đối ngoại và phát triển kinh tế. Tại Khoản 2, Điều 9 của dự thảo luật này quy định thị thực không được gia hạn, thị thực hết hạn được xem xét cấp thị thực mới, đề xuất Ban soạn thảo xem xét cho gia hạn một số trường hợp cho người học tập, nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia đến Việt Nam học tập và làm việc. Đề nghị nghiên cứu thêm hành vi tự đặt ra thủ tục, lệ phí trái với quy định phải xử lý và có chế tài.
Ba, nhất trí với các quy định về điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài tại Điều 10 dự thảo luật nhằm ngăn chặn tình trạng người nước ngoài lợi dụng nhập cảnh Việt Nam để hoạt động vì mục đích khác. Tôi đồng tình với việc cấp thị thực cho người nước ngoài nhất thiết phải có giấy phép lao động của Chính phủ Việt Nam. Quy định như trên sẽ khắc phục được tình trạng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện miễn thị thực hoặc mục đích khác để chuyển sang lao động.
Về việc cấp thị thực cho người dưới 14 tuổi hiện nay đang áp dụng theo Khoản 3, Điều 4 Pháp lệnh Xuất, nhập cảnh Việt Nam. Theo đó bố, mẹ hoặc người đi cùng nếu thực hiện khai báo tạm trú, cấp thị thực thì không phải làm thủ tục xin cấp thị thực. Thực tế cho thấy quy trình này còn phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ như luật hiện hành.
Bốn, đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn vì sao giới hạn quá cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế cảng hàng không mà không áp dụng đến việc quá cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển… Điều 15 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ, đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng hải, đường hàng không. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nhằm đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật.
Năm, về khai báo tạm trú của người nước ngoài được quy định tại Điều 26 dự thảo luật cho thấy công tác quản lý người nước ngoài trong thời gian qua tuy nhiều cố gắng nhưng chưa chặt chẽ. Việc trao đổi thông tin tạm trú của người nước ngoài còn tình trạng sót, lọt, cập nhật thông tin chậm. Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 26 dự thảo luật quy định: Khách sạn cho người nước ngoài lưu trú phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tôi đề nghị bổ sung thêm các khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú có người nước ngoài lưu trú… bắt buộc phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với hộ gia đình khi người nước ngoài lưu trú phải trình báo với công an phường, xã, thị trấn. Riêng người nước ngoài đến cư trú tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế được Chính phủ ban hành ngày 14/3/2008 thì chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng người nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư được tạm trú tại khu nhà quản lý riêng, Ban quản lý có trách nhiệm khai báo tạm trú đến cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh, quy định như vậy vừa thông thoáng, vừa chặt chẽ.
Sáu, về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài quy định tại Điều 37, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Điều 38 trong dự luật đã nêu, nhưng để đảm bảo tính khả thi của điều luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành quản lý để thống nhất công tác quản lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại Khoản 1, Điều 39…”
Quốc Trung (lược ghi)