CẦN THIẾT XÁC LẬP CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN TRONG VIỆC KHÁM VÀ
ĐIỀU TRỊ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THẺ BẢO HIỂM Y TẾ
Chiều 26 tháng 11 năm 2013, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ĐBQH Nguyễn Minh Phương đã có một số ý kiến tham gia thảo luận:
“… Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội sau khi giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 là rất phù hợp nhằm giải quyết một số bất cập của luật hiện hành. Tôi xin tham gia một số ý kiến cho dự thảo luật như sau:
Thứ hai, về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và mức đóng của các thành viên, tôi vẫn còn trăn trở vì số hiện chưa tham gia bảo hiểm y tế như đã nói trên chủ yếu là nông dân ở nông thôn, nhân khẩu trong gia đình đông và do mưu sinh họ không tập trung ở một nơi cố định. Đối với nhóm đối tượng này dự luật nên theo hướng mở là cho đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu ở 2 nơi khác nhau. Về mức đóng, tôi đồng ý với dự thảo luật từ người thứ nhất, người thứ hai và từ người thứ sáu trở đi nhưng không nên bắt buộc 100% thành viên tham gia bảo hiểm y tế. Vì thực tế như hiện nay không phải hộ dân nào cũng có khả năng tham gia bảo hiểm y tế cho tất cả nhân khẩu trong gia đình.
Thứ ba, ở Điều 12 và Điều 13, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế. Tôi đồng ý với dự thảo luật đã bổ sung nhóm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách xã, phường, thị trấn nằm trong nhóm 1 do người sử dụng lao động đóng. Đây là mong muốn của nhiều cử tri cũng như mong muốn của các cán bộ bán chuyên trách nhưng cần phải xem lại quy định mức đóng ở Điều 13. Vì nhóm cán bộ này không được hưởng lương mà chỉ có phụ cấp trách nhiệm khoảng 180.000 - 400.000 đ/1 tháng tùy theo vị trí việc làm, nên chăng quy định mức đóng tối đa này bằng 6% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động đóng.
Cũng trong Điều 12, ở Khoản 3, Tiết m trong nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, tôi đồng ý nhóm hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể do ngân sách Nhà nước đóng. Riêng nhóm hiến, lấy xác thì không khả thi vì người hiến xác khi mất đi không cần hưởng bảo hiểm y tế. Nếu chỉ dựa vào hồ sơ hiến xác thì ngân sách Nhà nước không đảm bảo, vì chỉ tính riêng các trường cao đẳng, các trường đại học y dược trong cả nước đã nhận rất nhiều hồ sơ của những người hiến xác cho khoa học.
Thứ tư, về sử dụng quỹ kết dư bảo hiểm y tế ở Điều 35: Quỹ kết dư bảo hiểm y tế hiện nay khá cao nhưng phần lớn kết dư chủ yếu là do các tỉnh miền núi ở phía Bắc và ở Tây Nguyên. Do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế không đảm bảo nên người dân không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế, song song với đó là không thu hút bác sĩ về trạm y tế cơ sở dẫn đến kỹ thuật y tế hiện đại ít được triển khai. Do đó tôi đề nghị sử dụng quỹ kết dư để đầu tư phát triển cơ sở y tế trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho dân nghèo, dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Thứ năm, về thanh toán bảo hiểm y tế, khám trái tuyến, vượt tuyến ở Điều 22. Hiện nay, để cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân khi cần thiết phải vượt tuyến, trái tuyến được quỹ bảo hiểm chi trả 70%, 50%, 30%, tùy theo hạng bệnh viện, từ đó đã làm quá tải tuyến trên, làm cơ sở y tế tuyến dưới bị vượt quỹ định xuất hàng năm, không còn nguồn kinh phí để trang bị thuốc phục vụ cho khám, chữa bệnh y tế tại địa phương. Bên cạnh đó, khi Nghị định 176 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực sẽ càng gây áp lực cho cán bộ y tế, nếu không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp khi vượt quá khả năng chuyên môn của mình sẽ bị phạt vi phạm hành chính, do đó tâm lý cán bộ y tế là chuyển sớm lên tuyến trên, như vậy càng gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tôi đề nghị giảm tỷ lệ được bảo hiểm y tế chi trả theo hạng bệnh viện xuống còn 60%, 40%, 20% lần lượt theo hạng bệnh viện và nên quy định một số bệnh thông thường không được khám vượt tuyến, trái tuyến và không thanh toán trái tuyến đối với khám, chữa bệnh ngoại trú. Từ vấn đề này tôi đề xuất với Ban soạn thảo nghiên cứu tăng mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế khi chọn nơi khám, chữa bệnh ban đầu là tuyến hoặc từ bệnh viện hạng 3 trở lên theo nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, với mệnh giá có thể gấp 1,5 lần, 2 lần hoặc 3 lần, tùy theo hạng bệnh viện thì sẽ làm giảm tình trạng vượt quỹ ở tuyến dưới và dự báo được đầu thẻ cho các bệnh viện tuyến trên, hạn chế được tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên…”
Quốc Trung (lược ghi)