ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPCT THẢO LUẬN TẠI TỔ VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT

Ngày đăng: 21-06-2024 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa
            Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 20/6/2024, sau khi nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn và dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Quốc hội tiến hành thảo luận tại các tổ. Tổ ĐBQH số 08 gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Bình Định, Điện Biên và thành phố Cần Thơ đã thảo luận, góp ý về hai dự án luật nêu trên. Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ tham gia phiên thảo luận và có một số ý kiến đối với các dự án luật.

Phát biểu ý kiến về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, đối với nội dung về giải thích từ ngữ tại Điều 3, Ban soạn thảo cần giải thích một số thuật ngữ chuyên ngành dễ hiểu, rõ ràng hơn. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải thích từ ngữ đối với khái niệm “khoáng sản có giá trị, quý hiếm” vì khái niệm này được nêu tại khoản 6, Điều 10 của dự thảo luật nên cần được định nghĩa rõ ràng để việc áp dụng luật được chặt chẽ, thống nhất.

 

 Ông Đào Chí Nghĩa, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố, Phó trưởng Đoàn ĐBQH  thành phố Cần Thơ
phát biểu thảo luận tại tổ.
          Đối với những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 10 dự thảo luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cấm đối với hành vi cố ý báo cáo, cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực, không đầy đủ về quy mô, hiện trạng, trữ lượng, khối lượng, chất lượng các loại khoáng sản, bao gồm khoáng sản đã khai thác và khoáng sản còn lại tại khu vực, dự án, địa bàn quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá “các hành vi khác” bị cấm được nêu tại khoản 8 điều này để nội dung của luật được chi tiết, rõ ràng, dễ áp dụng sau khi dự án luật được thông qua.

Về thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 các Điều 55 và Điều 69, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể trường hợp chấm dứt hiệu lực đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép nhưng qua thanh tra, kiểm tra, rà soát phát hiện không đủ năng lực, điều kiện thực hiện việc thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tại Điều 81 dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định đối với nội dung quy định chung về chế biến khoáng sản nhằm hạn chế việc xuất thô các loại khoáng sản với giá trị thấp gây lãng phí, cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản của quốc gia mà không mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng.

Cùng tham gia góp ý đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ cho rằng, tên dự án luật bao gồm lĩnh vực “địa chất” và “khoáng sản”. Tuy nhiên, các nội dung quy định về địa chất còn khá ít, chủ yếu quy định lĩnh vực khoáng sản. Góp ý cụ thể đối với từng điều khoản trong dự thảo luật, đối với nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 15, 16, Điều 3, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị Ban soạn thảo định nghĩa cụ thể về “nước nóng thiên nhiên” và “nước khoáng” thay vì nêu “đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam” như trong dự thảo luật hiện nay.

Đối với các nội dung về “chính sách dự trữ khoáng sản” quy định tại khoản 5, Điều 4 và “điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản” quy định tại khoản 1, Điều 9, đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể đối với các nội dung này.

Đối với nội dung về phân loại khoáng sản quy định tại Điều 7 dự thảo luật, đại biểu cho biết đây là nội dung mới so với Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phân loại bốn nhóm như trong dự thảo luật hiện nay chưa được rõ ràng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại quy định tại điều này nhằm bảo đảm việc phân loại khoáng sản không xảy ra sự lẫn lộn, chồng lấn giữa các nhóm.

 
 Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ
phát biểu thảo luận tại tổ

          Đối với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản quy định tại Điều 15 dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tính toán, đánh giá tác động việc giao một đầu mối quản lý việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Đại biểu cho rằng nên giữ nguyên quy định theo Luật Khoáng sản năm 2010. Theo đó, các bộ chuyên ngành được giao quản lý việc sử dụng, khai thác tài nguyên theo lĩnh vực của mình, qua đó giúp bảo đảm tài nguyên được khai thác, sử dụng đạt hiệu quả nhất.

          Đối với thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản quy định tại Điều 53 dự thảo luật, đại biểu đề nghị giao thẩm quyền này cho một hội đồng do Chính phủ thành lập gồm nhiều thành phần có chuyên môn sâu thay vì giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường như dự thảo luật quy định hiện nay nhằm bảo đảm tính chặt chẽ trong công tác quản lý thăm dò khoáng sản vì tài nguyên khoáng sản là tài nguyên của quốc gia. 

          Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định về khai thác khoáng sản đa mục tiêu. Trong đó, xác định rõ chủ thể có thẩm quyền quyết định việc khai thác khoáng sản đa mục tiêu nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các dự án khai thác khoảng sản có kết hợp nhiều mục tiêu khác.

           Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển. Đại biểu cho rằng các nội dung tại Chương VIII về quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển trong dự thảo luật chưa thật sự cụ thể, còn thiếu quy định đánh giá tác động của việc khai thác các loại tài nguyên này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với việc khai thác cát sông thuộc các dòng sông liên quốc gia.