Tiếp tục ngày làm việc thứ 5 kỳ họp thứ 10, ngày 24/10/2015 Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề xuất: Luật cần cụ thể hơn quy định tại Điều 123 và Điều 124 để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện; về lãi suất thống nhất với quy định tại Khoản 1, Khoản 2, riêng Khoản 3 chọn phương án 1 (quy định trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% /năm của khoản tiền vay; trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực); có quy định để điều chỉnh, giải thích trường hợp các hội, đoàn, các tổ chức tự nguyện huy động vốn trong dân với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa theo quy định của Dự thảo đang diễn ra thực tế như hiện nay; về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 133, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, chặt chẽ hơn Khoản 2 Điều này, để điều chỉnh trường hợp tài sản đã tiến hành giao dịch nhưng bị thay đổi chủ sở hữu do lỗi của cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định sai chủ sở hữu tài sản (theo bản án, quyết định có hiệu lực bị hủy, sửa), cũng như có quy định rõ về trách nhiệm bồi thường dân sự của người có thẩm quyền ban hành quyết định, bản án sai bị sửa, bị hủy dẫn đến xảy ra tình trạng như nêu trên; về quyền chuyển đổi giới tính thống nhất theo quy định tại Điều 37 của Dự thảo; về công nhận, tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự đề nghị Luật cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn các trường hợp “trái đạo đức xã hội” tại Khoản 2, Điều 2 để việc áp dụng được khả thi; tán thành cao với nội dung quy định tại Điều 253 và Điều 254 vì phù hợp với yêu cầu thực tế cần quy định để vận dụng giải quyết các tranh chấp dân sự có liên quan phát sinh.
Theo chương trình kỳ họp, Dự thảo Bộ Luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 25/11/2015./.