Đại biểu Nguyễn Minh Phương góp ý kiến Dự thảo Luật Dược (sửa đổi)

Ngày đăng: 26-03-2016 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, sáng ngày 25/03/2016 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Phương (TP. Cần Thơ) tham gia thảo luận như sau:

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề ở Chương III, cụ thể tại Điều 32 đại biểu đồng ý phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và có giá trị trong cả nước. Đại biểu không tán thành với ý kiến thứ hai, thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề dược là 5 năm. Vì cho rằng, người hành ngề dược phải học đại học 5 năm mới nhận được danh hiệu dược sĩ, học đại học 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sĩ, sau đó phải thực hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên mới nhận được chứng chỉ hành nghề. Như vậy, trải qua giai đoạn 7 đến 8 năm đã tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc quy định chứng chỉ hành nghề thời hạn 5 năm không phù hợp.

Đại biểu đề xuất nên nghiên cứu việc thi chứng chỉ hành nghề hay cấp chứng hành nghề do hiện nay Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cho các ngành đào tạo thuộc khối ngành khoa học sức khỏe. Mặt khác, tình trạng các trường đại học đa ngành cũng như các trường đại học ngoài công lập đua nhau đào tạo y, dược, trong điều kiện quản lý đầu ra còn hạn chế. Vì vậy, cần tổ chức thi chứng chỉ hành nghề, không chỉ riêng cho ngành dược mà rất cần thiết cho ngành y. Dù tốt nghiệp bất cứ trường đại học nào, nếu đạt ngưỡng điểm phù hợp thì được hành nghề dược phù hợp với tuyến Dự xét tuyển, nếu có nhu cầu nâng tuyến hành nghề thì tiếp tục thi theo chuẩn tuyến dự tuyển.

Liên quan đến Điều 31 về thu hồi chứng chỉ hành nghề dược, đại biểu cho rằng việc quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề dược đối với cá nhân có hai chứng chỉ hành nghề dược trở lên là không phù hợp. Chứng chỉ hành nghề ghi phạm vi hành nghề vào thời điểm này cá nhân có thể hành nghề ở lĩnh vực này, vào thời điểm khác các nhân đủ điều kiện hành nghề phạm vi khác nên việc thu hồi chứng chỉ hành nghề ở Khoản 7 là không công bằng. Cần phân biệt rõ khái niệm chứng chỉ hành nghề và đăng ký kinh doanh, hành nghề là khác nhau; tại Khoản 11, quy định người hành nghề không cập nhật kiến thức liên tục trong 2 năm sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề là không phù hợp và không khả thi, công tác kiểm tra, giám sát sẽ không thực hiện được, do đó đại biểu đề nghị bỏ.

Về quy định các vị trí có chứng chỉ hành nghề dược, chỉ quy định người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp chứng chỉ là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người phụ trách công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc cũng phải có chứng chỉ hành nghề dược để quy định đầy đủ.

Về các điều liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với hoạt động dược lâm sàng và triển khai hoạt động dược lâm sàng, đại biểu tán thành với dự thảo quy định cần phải có những chính sách căn cơ và triển khai đồng bộ. Lĩnh vực dược lâm sàng đã triển khai thí điểm hơn 10 năm nay, nhưng chưa đạt được hiệu quả. Các bác sĩ, dược sĩ chưa có sự tham khảo ý kiến lẫn nhau khi chỉ định thuốc. Để hoạt động dược lâm sàng phát triển, cần có sự thay đổi nhận thức về công tác dược, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực phù hợp, cần có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa bác sĩ điều trị và cán bộ phụ trách dược lâm sàng. Đại biểu cho rằng cán bộ phụ trách dược lâm sàng phải là dược sĩ đại học và bác sĩ làm công tác dược lâm sàng.

Về các tổ chức, cá nhân bán lẻ thuốc từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Điều 50, 51 do Giám đốc Sở Y tế phân công và được chính quyền địa phương cấp xã hỗ trợ các biện pháp bảo đảm an ninh trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Đại biểu cho rằng quy định này sẽ không khả thi, vì không phù hợp với thực tế hiện nay. Các cơ sở bán lẻ thuốc không đủ nhân viên để phục vụ và cũng không thể tăng giờ làm việc, tăng giờ trực vượt với quy định của Bộ luật lao động. Địa phương cũng không có chức năng bảo đảm an ninh cho các cơ sở này. Bên cạnh đó, nếu người có nhu cầu sử dụng thuốc sau 22 giờ là người có vấn đề thật sự về sức khỏe và người đó cần phải đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ điều khoản này và chỉ giữ quy định: "Các nhà thuốc trực thuộc bệnh viện tuyến huyện trở lên mới bán thuốc 24/24 giờ".

Liên quan đến thực phẩm chức năng, đại biểu tán thành với Điều 83 quy định việc quảng cáo thuốc theo đúng nội dung được Bộ Y tế xác nhận và theo các quy định của pháp luật về quảng cáo. Cấm thông tin quảng cáo, tư vấn, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng thuốc đối với các sản phẩm không phải là thuốc ở Điều 7, vì cho rằng các quy định này khi có hiệu lực thi hành sẽ siết chặt hơn tình hình quảng cáo dược phẩm, khắc phục tình trạng quảng cáo quá mức các loại thực phẩm chức năng, làm cho người dân hiểu nhầm là thuốc để mua sử dụng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế như thời gian qua./.

Lê Lạc (lược ghi)