Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng ngày 05/11/2015, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn, tham gia thảo luận đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) cơ bản đồng tình với các nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với một số nội dung chưa được đề cập trong dự án luật như: tại Khoản 3 Điều 5 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn có quy định: "Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho hoạt động thu nhận truyền phát thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai", đề nghị cân nhắc thêm điều này vì có thật sự phải ưu tiên xây dựng mạng viễn thông riêng không, có khả thi về đầu tư không. Có khai thác hết hiệu quả không. Thiết nghĩ rằng Nhà nước cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại cho mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, cho quan trắc và cơ sở dữ liệu để đưa ra các kết quả dự báo chính xác cao chắn chắn sẽ quan trọng và cần được quy định trong dự luật này;
Tại Điều 13 về quan trắc khí tượng thủy văn. Tại Điểm b Khoản 1, quy định kết quả quan trắc phải phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên của khu vực và hiện trạng của các hiện tượng, khí tượng thủy văn. Quy định này không rõ nghĩa và không cần thiết, thế nào là phản ánh khách quan, bản chất của công tác quan trắc phải chính xác, liên tục, thống nhất đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn như quy định tại Điểm a Khoản 1 điều này. Như vậy, số liệu quan trọng chính là kết quả trung thực về điều kiện tự nhiên của khu vực và hiện trạng của các hiện tượng, khí tượng thủy văn.
Tại Điều 14, về thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn. Trong các quy định của điều này thiếu quy định về vị trí các trạm quan trắc khí tượng thủy văn. đề nghị bổ sung thêm vị trí các trạm khí tượng thủy văn phải được xác định phù hợp với yêu cầu quan trắc và tuân theo các quy định của các luật có liên quan. Vì trạm quan trắc có vị trí tốt để thu thập được số liệu khí tượng thủy văn mà vi phạm các quy định khác không hay ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Ví dụ trạm quan trắc thủy văn không thể vi phạm các quy định về giao thông thủy, quy định ở điểm này như thế cũng sẽ tương thích với các quy định ở Điều 15, Điều 16.
Tại Điều 21, yêu cầu đối với dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Tại Khoản 3 có quy định thông tin dự báo, cảnh báo phải đảm bảo đủ độ tin cậy. Nhận thấy quy định này chưa chuẩn, thế nào là đủ, trong tính toán chỉ cần quy định đảm bảo độ tin cậy tùy theo loại số liệu mà có thể quy định ở mức tin cậy. Ví dụ như 90%, 95% hay 99%, như vậy sẽ hợp lý hơn và rõ nghĩa hơn.
Tại Điều 32, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn. Khoản 5 có quy định các cơ quan nhà nước khai thác thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả tiền. Kiến nghị bổ sung "việc khai thác thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng không phải trả tiền".
Tại Điều 46, nội dung về hợp tác quốc tế khí tượng thủy văn. Theo quy định của điều này chỉ có 5 nội dung, kiến nghị bổ sung 1 nội dung đó là "hợp tác quốc tế trong các hoạt động quốc tế có liên quan đến khí tượng thủy văn của quốc gia". Ví dụ: hiện đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng Mê Kông và chắc chắn có ảnh hưởng đến thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Việc quy định này cho phép chúng ta có thể đàm phán hay phản đối các hoạt động quốc tế có ảnh hưởng đến khí tượng thủy văn của quốc gia.
Tại Điều 30, về lưu trữ thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn. Khoản 4 quy định thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc nhóm bí mật nhà nước được bảo vệ quy định của pháp luật và bảo vệ bí mật nhà nước, cá nhân đại biểu đóng góp còn băn khoăn, có nên xem là bí mật nhà nước không. Đại biểu cho rằng thông tin khí tượng thủy văn cần phải mở để nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng, qua đó có thể giúp cho việc ứng phó, vận dụng thích nghi phục vụ ngày càng nhiều hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lê Lạc (lược ghi)