Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Phương thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

Ngày đăng: 28-12-2013 - Hoạt động Đoàn ĐBQH

 Tại phiên họp sáng ngày 08/11/2013 kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIII, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương (TP. Cần Thơ) tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

“Sau gần 20 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và hơn 4 năm triển khai Luật bảo hiểm y tế. Qua giám sát 3 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 chứng tỏ bảo hiểm y tế đã đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia bảo hiểm y tế, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm ngày càng tăng, ước đạt 71,2% trong năm 2013. Chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế được quy định ngày càng phù hợp góp phần thực hiện có chương trình chính sách an sinh xã hội, thay đổi nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tình trạng phân biệt giữa khám có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế.

Có hơn 600 bệnh viện huyện, 150 bệnh viện tuyến tỉnh đã được đầu tư, xây dựng sửa chữa và nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm số người ra nước ngoài để điều trị. Với mệnh giá thẻ bảo hiểm thấp nhưng người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng thụ những dịch vụ y tế kỹ thuật cao như chụp CT, chụp cộng hưởng từ, chạy thận nhân tạo, tim mạch can thiệp và những phương pháp điều trị ung thư mới. Đó là những thành công của bảo hiểm y tế.

Bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 đã bộc lộ một số hạn chế.

Thứ nhất, đó là hạn chế về chuyên môn, tình trạng chậm cải thiện y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ nhân viên y tế đã gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội, đặc biệt một số vụ việc xảy ra gần đây. Tai biến y khoa là tai nạn nghề nghiệp không ai mong muốn nhưng đối với ngành y sai sót này đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Trong lĩnh vực y khoa cần lấy sai sót của một người để làm bài học kinh nghiệm cho nhiều người và cả hệ thống, để không mắc phải sai lầm và cẩn trọng hơn trong nghề nghiệp, chứ đừng lấy sai sót mà làm tổn hại đến nền y đức, sự thiêng liêng và uy tín của ngành y, như vậy thực sự không công bằng trong khi còn cả một đội ngũ thầy thuốc chân chính, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn.

Hiện nay chỉ có 76% trạm y tế có bác sỹ, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến trạm y tế còn thấp. Do đó tôi đề nghị cần tăng cường đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới để đảm bảo 100% trạm y tế có bác sỹ và thường xuyên cập nhập kiến thức cho các bác sỹ ở trạm y tế. Song song đó cần mở rộng thêm danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh tại trạm y tế và quan trọng hơn là mở rộng thêm danh mục khám, chữa bệnh ban đầu để phục vụ cho khám, chữa bệnh thông thường và khám những bệnh mãn tính đến tái khám mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Vấn đề thứ hai, về quản lý cấp phát thẻ và quản lý khám, chữa bệnh. Dù bảo hiểm xã hội ước tính người tham gia bảo hiểm năm 2013 là 71,2% nhưng con số này còn trùng lặp. Vì qua báo cáo, kiểm tra, giám sát 42 tỉnh đã phát hiện trùng 800.000 thẻ với số tiền ngân sách bỏ ra hơn 342 tỷ đồng là vô cùng lãng phí.

Việc quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người không bệnh đến khám, thuê người đi khám và mang thuốc bán trở ra bên ngoài. Tôi đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện phần mềm quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất trong cả nước và kết nối với nhau từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến cả tuyến Trung ương. Mỗi người chỉ có một mã thẻ bảo hiểm y tế để công tác quản lý được chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời giúp cho việc theo dõi, điều trị bệnh nhân được xuyên suốt.

Vấn đề thứ ba, tình trạng khám trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012 đã gây quá tải cho tuyến trên dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở y tế tuyến dưới bị vượt quỹ định suất hàng năm. Không còn nguồn kinh phí trang bị thuốc phục vụ khám, chữa bệnh tại địa phương. Một số bệnh viện phải sử dụng 50 - 70% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để chi trả cho các trường hợp khám trái tuyến, vượt tuyến trong tình trạng không thể kiểm soát, trong khi đó các cơ sở y tế tuyến trên tăng cường và lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao với chi phí lớn. Nguyên nhân do người dân lo ngại về trình độ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị của tuyến y tế cơ sở. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng ngân sách thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó ưu tiên ngân sách dành cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực y tế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn.

Bên cạnh đó, đề nghị xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng đều cho các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh phù hợp hơn, để người dân được hưởng lợi, tham gia điều trị kỹ thuật cao tại địa phương và tiết kiệm chi phí đi lại, giảm bớt các chi phí không cần thiết khi chuyển tuyến. Đồng thời sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực y tế ở tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế cần có cơ chế tài chính, biện pháp đặc thù tạo điều kiện để các bệnh viện tuyến tỉnh phát triển kỹ thuật cao như tuyến Trung ương, bằng nguồn vốn phát triển sự nghiệp của đơn vị. Tránh tình trạng như vừa qua, có đội ngũ nhân lực đã được đào tạo với chuyên môn kỹ thuật cao nhưng chưa được trang bị thiết bị sử dụng phù hợp.

Vấn đề thứ tư, quy định hiện hành không có chế tài bắt buộc về tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đối với hộ gia đình, nên phần lớn những người mắc bệnh mới tham gia, nhóm đối tượng này đa số sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao gây vỡ quỹ tại địa phương. Tôi đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh trong Dự thảo luật sửa đổi lần này phù họp hơn”./.

Lê Lạc (lược ghi)