Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương thảo luận đóng góp Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

Ngày đăng: 28-12-2013 - Hoạt động Đoàn ĐBQH
 Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIII, chiều ngày 05/11/2013 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Tham gia đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) có một số ý kiến như sau:

“Trước hết, bày tỏ sự đánh giá rất cao việc tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo. Bản Hiến pháp lần này ngắn gọn, nội dung thể hiện tính chặt chẽ, bao quát cao đáp ứng yêu cầu của bộ luật gốc các báo cáo giải trình, tiếp thu sâu sắc, có minh chứng thuyết phục. Tuy nhiên cá nhân nhận thấy còn một số vấn đề cần thảo luận trao đổi thêm, như sau:

Tại Khoản 1 Điều 51: Quy định về các thành phần kinh tế. Trong đó xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tán thành với giải trình của Ủy ban dự thảo không nên nêu các thành phần kinh tế và xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, do nội dung này có nhiều ý kiến khác nhau nên tôi đề xuất Ủy ban Dự thảo giải trình sâu sắc hơn vấn đề kinh tế Nhà nước, cũng như giải trình sự phù hợp đối với hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, để tăng tính thuyết phục không chỉ đối với các đại biểu Quốc hội mà còn đối với cử tri cả nước vì đây là nội dung thu hút sự quan tâm rất cao của cử tri.

Tại Điều 52: Đề xuất bổ sung cụm từ "phát triển cân đối giữa vùng miền". cụ thể Điều này được viết lại như sau: "Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường, thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển cân đối giữa các vùng, miền, đảm bảo sự thống nhất của nền kinh tế quốc dân". Tôi hiểu rằng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của các vùng, miền, đặc biệt là vùng, miền khó khăn, bên cạnh xác định các vùng kinh tế động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả quốc gia. Hiến định như đề xuất sẽ là một giải pháp, cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc xác định các chính sách phù hợp trong phát triển đất nước, tiến tới giảm phân hóa giàu nghèo, đảm bảo công bằng, văn minh trong xã hội.

Tại Khoản 3 Điều 54: Quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải đảm bảo minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Đề nghị thay cụm từ "theo quy định của pháp luật" thành cụm từ "theo quy định của luật". Bởi vì, trong điều kiện hiện nay của đất nước ta việc thu hồi đất cho các mục đích an ninh, quốc phòng, mục đích công cộng, mục đích kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thu hồi đất trong tương lai có thể không còn dễ dàng nữa vì đất là loại tài nguyên hữu hạn. Tôi cho rằng thu hồi đất hiện tại sẽ quy định trong Luật Đất đai nhưng trong tương lai rất có thể chúng ta phải có một bộ luật riêng về thu hồi và đền bù đất đai như một số quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện, để việc thu hồi đất đai đảm bảo tính nghiêm minh, chính xác, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của tập thể, cá nhân sử dụng đất đai.

Tại Khoản 2 Điều 61: Có đề cập vấn đề đảm bảo giáo dục tiểu học là bắt buộc, từng bước phổ cập giáo dục trung học. Quy định thể hiện rõ giáo dục nhằm nâng cao dân trí, là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, nền giáo dục của nước ta phải từng bước hướng theo nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, đó là người học bậc tiểu học, phổ thông không phải trả tiền. Vì thế tôi đề xuất cần hiến định điều này đảm bảo giáo dục tiểu học là bắt buộc, từng bước phổ cập giáo dục trung học không phải trả học phí, nhằm mở rộng đường cho hoạch định chính sách giáo dục trong tương lai.

Tại Điều 75, 76: Thống nhất với quy định Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tương tự các Ủy ban gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cần quy định các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban và các thành viên của các Ủy ban do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban do Quốc hội thành lập, vì thế tôi đề xuất Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thì sẽ phù hợp hơn. Trong khi đó các Ủy viên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Cuối cùng tại Điều 114: Kiến nghị nên xem xét lại trường hợp “những quy định của Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp”. Chúng ta xác định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, nơi nào có Ủy ban nhân dân thì có Hội đồng nhân dân. Vì thế trong Hiến pháp chỉ quy định Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là phù hợp. Không quy định hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Tôi ủng hộ ý kiến phân tích của đại biểu Châu ở Quảng Trị cũng như một số ý kiến đã phát biểu trước tôi, xin không nhắc lại”./.

Lê Lạc (lược ghi)