Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Thắm thảo luận đóng góp Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Ngày đăng: 08-11-2013 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIII, sáng ngày 04/11/2013 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm (TP. Cần Thơ) tham gia đóng góp một số nội dung, cụ thể như sau:

“Qua nghiên cứu Dự thảo Luật lần này cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5. Từ đó cũng đã chỉ đạo thực hiện rà soát, nghiên cứu, bổ sung về nội dung và kỹ thuật văn bản bảo đảm rõ ràng, chính xác, chặt chẽ và thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan. Trong 10 vấn đề chung đã được bổ sung điều chỉnh, tôi tán thành với các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tập trung quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân chỉ quy định mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực hoạt động dễ xảy ra lãng phí ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.

Thứ hai, về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: Tán thành nội dung bổ sung quy định rõ cơ chế, cách thức giám sát của từng đối tượng, bảo đảm quyền giám sát của công dân, xử lý thông tin phát hiện lãng phí và để đảm bảo thực hiện các cơ chế này thì các nội dung quan trọng cần được bổ sung điều chỉnh như bổ sung kết quả xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận xử lý thông tin, phát hiện lãng phí.

Thứ ba, về trách nhiệm của người đứng đầu: Tán thành với các quy định cụ thể, trách nhiệm trực tiếp liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đặc biệt việc bổ sung quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm để đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không xử lý.

Trên cơ sở thống nhất một số nội dung chung của Dự thảo Luật đã được bổ sung, điều chỉnh với mong muốn góp phần hoàn thiện Dự Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh một số vấn đề cụ thể sau đây.

Tại Điều 2 về đối tượng áp dụng tôi đề nghị bỏ Khoản 3 quy định tổ chức hộ gia đình và cá nhân khác gì các đối tượng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 đã bao trùm các đối tượng trong Khoản 3.

Tại Điều 7 về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Khoản 1 bổ sung cụm từ "gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính" vào trước cụm từ "xác định rõ mục tiêu để phù hợp với nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" được quy định tại Khoản 3, Điều 4.

Tại Điều 8 về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đề nghị bỏ cụm từ "theo thẩm quyền" ở cuối Khoản 3 vì nếu quy định như vậy thì chúng ta sẽ giới hạn trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công chức, viên chức.

Tại Điều 12, về nguyên tắc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Đề nghị bổ sung cụm từ "và chức năng, nhiệm vụ được giao" tại Điểm b, Khoản 1 thành "phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chức năng nhiệm vụ được giao để đảm bảo khi ban hành định mức tiêu chuẩn chế độ thì phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao cho tổ chức, cá nhân đó". Chẳng hạn như hiện nay quy định tiêu chuẩn khi xét ngạch bậc công chức vẫn phải theo trình tự, chưa phù hợp với vị trí công việc và thực tiễn nhiệm vụ như công chức được bố trí ở các vị trí then chốt, cấp huyện trở lên vẫn phải mất thời gian học và thi tuần tự từ chuyên viên lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thay vì như viên chức là các nhà khoa học đã có học hàm, học vị cao chỉ phải thi chuyển ngạch từ giảng viên lên giảng viên chính v.v... Rõ ràng quy định tiêu chuẩn xét ngạch bậc của công chức này là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, gây lãng phí thời gian lao động của đội ngũ có trình độ cao này và lãng phí tiền của của chúng ta bỏ ra để tổ chức các khóa học và thi như trên.

Tại Điều 50 quản lý khai thác sử dụng tài nguyên rừng tôi thấy rằng quy định trong Khoản 1, Điểm c kết hợp bảo vệ  và phát triển rừng với khai thác hợp lý và Điểm d đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước với chủ rừng v.v... Còn chung chung không rõ phạm vi, dễ bị lạm dụng. Thực tế cho thấy theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội từ năm 2006 đến năm 2012 trong 160 dự án thủy điện trên cả nước thì diện tích đất rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng thủy điện là 19.792 ha. Nhưng đến nay diện tích trồng thay thế mới là 735 ha đạt tỷ lệ 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ các nội dung này để đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đảm bảo quản lý khai thác sử dụng tài nguyên rừng cho sự phát triển bền vững.

Tại Điều 69, về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và cuối Khoản 1 của Điều này cụm từ "tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc vì thực trạng quản lý điều hành của các ngành lĩnh vực vừa qua cho thấy có sự chồng chéo thiếu đồng bộ hoặc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ gây lãng phí rất lớn mà chúng ta chưa thể tính toán cụ thể và chính xác trong số gây ra lãng phí. Chẳng hạn như cùng một lĩnh vực đào tạo nghề nhưng chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chủ quản. Qua giám sát cho thấy vì sự bất cập trên nên thời gian qua chúng ta đầu tư các nguồn lực cho lĩnh vực này còn rất dàn trải gây lãng phí không nhỏ hoặc chúng ta chưa xác định được chính xác là đã lãng phí bao nhiêu thời gian và tiền của cho việc từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với 46 luật, pháp lệnh được ban hành trong đó 37 đã có hiệu lực và 9 chuẩn bị có hiệu lực thì chỉ mới có 98/200 văn bản quy định chi tiết chiếm 49%, hướng dẫn 148/280 nội dung được giao v.v... Vì vậy tôi rất mong rằng những vấn đề này sẽ được giảm thiểu bằng việc điều chỉnh nội dung quy định tại Khoản 1 điều này như phân tích nêu trên góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”./.

Lê Lạc (lược ghi)