Dấu ấn đẹp của một lễ hội

Ngày đăng: 05-03-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

(CT)- Nhiều năm qua, lễ giỗ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm) đã trở thành một trong những lễ hội lớn của quận Bình Thủy và TP Cần Thơ. Năm nay, lễ giỗ lần thứ 144 của Cụ được tổ chức vào ngày 26 và 27-2, đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng mọi người, bởi nét văn hóa, văn minh trong lễ hội cũng như không khí tưng bừng, rộn rã của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được mở rộng với qui mô cấp thành phố.

Mở màn cho các hoạt động tại lễ hội là lễ rước linh vị cụ Bùi Hữu Nghĩa từ chùa Nam Nhã về Khu Tưởng niệm để tiến hành lễ giỗ. Những nghi lễ truyền thống được tiến hành trang nghiêm, cẩn trọng với sự thành kính của tất cả những người có mặt. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: "Từ trước đến nay, linh vị của Cụ Thủ khoa được thờ cúng tại chùa Nam Nhã. Trong hai ngày tổ chức lễ giỗ, linh vị được rước về khu tưởng niệm để nhân dân bái tế, dâng hương, sau đó hoàn trả lại cho chùa". 

 Lễ rước linh vị cụ Bùi Hữu Nghĩa từ chùa Nam Nhã về khu Tưởng niệm là một trong những nghi thức truyền thống của lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: DUY KHÔI

Các nghi thức: dâng hương, viếng mộ, ôn lại tiểu sử và cuộc đời của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, tham quan các hiện vật, tranh ảnh tại nhà trưng bày... lần lượt diễn ra trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo thành phố, đại biểu các sở ngành, đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa. Song song đó là các hoạt động vui chơi, giải trí, không khí lễ hội thêm sôi động, hấp dẫn. Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Lễ giỗ do Ban Tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm quận Bình Thủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Điểm mới của lễ giỗ năm nay là phần hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao qui mô cấp thành phố, góp phần quảng bá, nâng tầm lễ hội và thu hút khách du lịch".

Lễ hội được đổi mới và mở rộng qui mô đã thật sự hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Mọi năm, phần thi các trò chơi dân gian chỉ có 8 phường của quận Bình Thủy và một số đơn vị khách mời. Năm nay, hội thao và trò chơi dân gian do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã qui tụ hơn 350 vận động viên của 28 đội đến từ các quận huyện, sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, trường học... trên địa bàn thành phố. Khu triển lãm sách báo, tranh ảnh của Thư viện thành phố phối hợp với Thư viện quận Bình Thủy tổ chức cũng thu hút đông đảo khách đến tham quan và thưởng lãm. Trong hai ngày giỗ, khuôn viên Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa rợp màu áo trắng học sinh bởi sự có mặt của trên 500 học sinh các trường THCS, THPT, cao đẳng... tham gia chương trình "Tìm về di sản" do Ban Quản lý Di tích thành phố tổ chức. Ngoài tham quan Khu tưởng niệm và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, các em còn được tham gia các trò chơi vui nhộn, được Câu lạc bộ Thư pháp Cần Thơ truyền dạy nghệ thuật thư pháp và tặng chữ... Em Trần Hoàng Nhân, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Bình Thủy, hồ hởi nói: "Em rất vui vì được mở rộng thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, về cuộc đời cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, được học cách viết thư pháp, xem các trò chơi dân gian...". 

Hoạt động trình diễn và truyền dạy nghệ thuật thư pháp tại lễ giỗ thu hút đông  đảo học sinh tham gia. Ảnh: LỆ THU

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật "Tưởng nhớ danh nhân Bùi Hữu Nghĩa" với nhiều tiết mục ca múa, hoạt cảnh, trích đoạn cải lương... đặc sắc diễn ra vào tối 26-2 là một trong những điểm nhấn quan trọng của lễ hội. Chương trình do Nhà hát Tây Đô thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, Đoàn Văn công Quân khu 9, Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều, Câu lạc bộ Lân sư rồng Việt Anh Đường, ca sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, đạo diễn chương trình, cho biết: "Mỗi năm, Nhà hát Tây Đô đều dàn dựng chương trình nghệ thuật công phu, ý nghĩa để tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và ca ngợi quê hương, đất nước. Chúng tôi luôn cố gắng để chương trình mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo được sự hài hòa giữa các tiết mục về cụ Thủ khoa, về Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đất nước cùng những nét văn hóa truyền thống và nét đẹp hiện đại".

Một trong những điểm sáng của lễ hội là khâu chuẩn bị cho các hoạt động, công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông... được các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện chu đáo, giúp lễ hội thành công và để lại dấu ấn đẹp trong lòng mọi người. Ông Nguyễn Công Bình, đến từ xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, bộc bạch: "Đoàn chúng tôi gồm 15 người trong thân tộc lần đầu tiên đến tham dự lễ giỗ và tham quan Khu tưởng niệm Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Chúng tôi thấy lễ giỗ được tổ chức rất tốt và có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Có điều kiện, chúng tôi sẽ quay lại tham dự những lần giỗ sau".

LỆ THU