Đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Ngày đăng: 16-11-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- Những năm gần đây, TP Cần Thơ đã tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Trung ương để triển khai nhiều chương trình, dự án cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, mang tính bền vững. Qua đó, các dự án này cũng góp phần nâng cao tính cạnh tranh hàng nông sản của thành phố, phục vụ xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước rất khó triển khai hết các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nên cần tranh thủ các nguồn vốn tài trợ. Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực tìm nguồn vốn, vận động các nhà tài trợ nước ngoài, thông qua các dự án do Trung ương đưa về để triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, có nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm đến nền nông nghiệp Việt Nam; nhất là vùng ĐBSCL – nơi nhạy cảm liên quan đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực thế giới nên việc vận động tài trợ gặp nhiều thuận lợi.

Thời gian qua, Tổ hợp tác Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh đã tiếp cận nguồn tài trợ từ các dự án để đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy nông nghiệp. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố tham quan Tổ hợp tác Khiết Tâm. Ảnh: MINH HUYỀN

Các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Trung ương thời gian gần đây chủ yếu trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi và nước sạch nông thôn. Trong đó, các dự án trồng trọt gồm: dự án CORIGAP do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) tài trợ, dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Các dự án chăn nuôi như: dự án "Nâng cao năng lực nông hộ tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy" do tổ chức Heifer tài trợ, dự án "Khí sinh học" do tổ chức Hà Lan tài trợ. Các dự án thủy lợi như: Tiểu dự án "Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ" – Dự án WB6 do WB tài trợ, Dự án "Hợp phần cung cấp nước và vệ sinh nông thôn" (cũng thuộc Dự án WB6-Dự án Quản lý Thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL), mô hình thí điểm trồng lúa kỹ thuật hiện đại và cây ăn trái xã Trường Long, huyện Phong Điền do WB tài trợ. Các dự án nước sạch nông thôn: dự án "Nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước tại phường Trường Lạc và phường Thới An (quận Ô Môn)" do tổ chức ISET đại diện Quỹ Rockefeller tài trợ, dự án cung cấp trang thiết bị xử lý nước cho hệ thống cấp nước xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh)…

Đến nay, nhiều chương trình, dự án nêu trên đã và đang triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như dự án CORIGAP do IRRI tài trợ, thời gian thực hiện 2013-2015, triển khai tại 2 huyện sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm của thành phố là Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ. Dự án này có nguồn kinh phí ít, chỉ khoảng hơn 100.000 USD, tuy nhiên theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, nhờ dự án tư vấn này đã lôi kéo theo nhiều dự án lớn hơn từ các tổ chức nước ngoài cho Việt Nam. Đồng thời, dự án đã góp phần nâng cao năng suất lúa bình quân và giảm khoảng cách về năng suất lúa của thành phố; áp dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, gia tăng thu nhập của người nông dân. Dự án cũng nghiên cứu sâu về giảm pháp sản xuất lúa hiệu quả hiện nay "1 phải, 5 giảm", tìm ra giải pháp tốt nhất để khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ… Ông Lưu Văn Đình ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, nông dân luôn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa, cho biết: Sau nhiều năm canh tác lúa và qua kinh nghiệm tích lũy, năng suất lúa đạt khá cao tuy nhiên chi phí đầu tư cũng tăng cao theo. Do đó, ông đã mạnh dạn theo học các lớp tập huấn và áp dụng kỹ thuật canh tác theo "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và đặc biệt là mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa bờ ruộng thu hút thiên địch, giảm phun thuốc trừ sâu)… đã giúp ông giảm chi phí sản xuất đầu vào (giống, phân, thuốc), đảm bảo lợi nhuận ở mức cao, tăng thu nhập cho gia đình.

Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững), thực hiện giai đoạn 2015-2020, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý các bên do WB tài trợ, thực hiện tại 8 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Tây Nguyên đối với cây lúa và cà phê. Riêng tại TP Cần Thơ, dự án này dành nguồn kinh phí tài trợ là 331 tỉ đồng, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ và Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ. Thành phố đang xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện trong năm 2016. Theo đó, dự án sẽ đào tạo, tập huấn cho nông dân giải pháp "1 phải, 5 giảm", đào tạo bài bản cho nông dân, vừa làm vừa thực hành, xây dựng các mô hình; đồng thời đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; tiếp tục hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã trang thiết bị, đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi khép kín liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Dự án "Nâng cao năng lực nông hộ tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy" do tổ chức Heifer tài trợ, hỗ trợ nông dân tham gia nhận nuôi bò lai Sind, có bò con chuyển giao luân chuyển cho hộ khác tạo điều kiện nhân rộng phong trào nuôi bò và giúp nông dân có hoàn cảnh khó khăn cải thiện thu nhập gia đình… Dự án "Nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước tại phường Trường Lạc và phường Thới An (quận Ô Môn)" thực hiện năm 2015, nâng công suất 2 trạm cấp nước mỗi trạm 12 m3/giờ và mở rộng quy mô sử dụng nước sạch lên 423 hộ dân. Dự án Hợp phần cung cấp nước và vệ sinh nông thôn (thuộc Dự án WB6) triển khai thực hiện giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và các quận Cái Răng, Thốt Nốt; tổng kinh phí hơn 117 tỉ đồng; đã đầu tư 8 hệ thống cấp nước công suất 15-40 m3/giờ, cung cấp nước sạch cho 5.739 hộ…

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, hướng tới ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để triển khai thực hiện thêm nhiều chương trình, dự án phục vụ phát triển nền nông nghiệp thành phố theo hướng bền vững. Ngoài ra, Đề án nông nghiệp công nghệ cao đã được UBND thành phố phê duyệt; thời gian tới cần thành lập ban quản lý dự án, triển khai quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi các viện trường, doanh nghiệp tham gia. Thành phố cũng đã quy hoạch 3 khu nông nghiệp công nghệ cao: Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai), Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ), Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 (xã Thạnh Phú, huyện Thới Lai). Thời gian qua, TP Cần Thơ thường xuyên giới thiệu 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 đã được Bộ NN&PTNT đưa vào chương trình Chính phủ kêu gọi đầu tư cấp quốc gia...

ANH KHOA