Để cơ quan dân cử địa phương hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hơn

Ngày đăng: 21-04-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Tạo điều kiện để HĐND, Thường trực, các ban HĐND và Văn phòng HĐND các cấp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hơn, từ thực tế hoạt động xin đóng góp một số ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về mô hình tổ chức bộ máy của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và Thư ký HĐND. Về cơ cấu Thường trực HĐND 3 cấp, cơ bản thống nhất với Dự Luật. Cụ thể, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên là Trưởng các ban HĐND, Chánh văn phòng HĐND (hoạt động chuyên trách). Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là 2 người, riêng thành phố trực thuộc Trung ương là 3 Phó chủ tịch để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với một số nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 44 Dự Luật quy định thêm 13 nhiệm vụ, quyền hạn đối với HĐND thành phố trực thuộc Trung ương); tạo sự cân đối, tương ứng với số lượng Phó chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương.  

Đối với cấp huyện: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên là Trưởng các ban HĐND, Chánh văn phòng HĐND (hoạt động chuyên trách). Tương tự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối với cấp huyện đề nghị cũng quy định cụ thể số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp huyện là 2, có như vậy mới đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Đối với cấp xã: Chủ tịch, Phó chủ tịch (hoạt động chuyên trách), ngoài ra, đề nghị cơ cấu 1 Ủy viên chuyên trách là Trưởng ban hoặc Thư ký kỳ họp. Việc quy định 3 người trong Thường trực HĐND cấp xã cũng phù hợp với Điều 84 “Thường trực HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số”. Thực tế đã qua, 1 Phó chủ tịch HĐND cấp xã không đủ sức thực hiện các nhiệm vụ của Thường trực HĐND; Thường trực HĐND cũng không có người tham mưu, phục vụ trực tiếp nên hiệu quả không cao, còn mang tính hình thức. Mặt khác, trong mỗi nhiệm kỳ có 1 - 2 lần luân chuyển cán bộ nên khó khăn trong hoạt động HĐND.

Đồng thời, chức danh Chủ tịch HĐND nên cơ cấu Bí thư hoặc Phó bí thư cấp ủy cùng cấp. Chức danh Phó chủ tịch HĐND nên cơ cấu Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Các thành viên còn lại của Thường trực, Trưởng các ban HĐND là cấp ủy viên cùng cấp, có như vậy mới bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử địa phương.

Về các ban HĐND, cơ bản thống nhất với Dự Luật. Cụ thể: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 ban (Ban Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Pháp chế). Ban HĐND gồm có Trưởng ban, một hoặc một số Phó trưởng ban và các Ủy viên (hoạt động chuyên trách). Tuy nhiên, để thuận lợi cho địa phương trong việc vận dụng Luật và thống nhất trong cả nước, đề nghị Dự thảo Luật nên quy định cụ thể số lượng Phó trưởng ban là 2 và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách (đối với cấp tỉnh); riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương là 3 Phó trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách. Vì chức năng, nhiệm vụ của ban tương đương với chức năng, nhiệm vụ của một sở, ngành nên trách nhiệm tương đối nặng nề và cần quy định số lượng tăng lên như thế mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.    

Đối với cấp huyện: 2 ban gồm (ban Kinh tế - Xã hội, ban Pháp chế). Ban HĐND gồm có Trưởng ban, một hoặc một số Phó trưởng ban và các Ủy viên (hoạt động chuyên trách). Tương tự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối với cấp huyện cũng quy định cụ thể số lượng Phó trưởng ban là 1 và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách. Đối với cấp xã: đề nghị quy định HĐND cấp xã có 1 ban (Tên là Ban Thẩm tra - Giám sát hoặc Ban của HĐND). Nhiệm vụ của Ban là giúp HĐND thẩm tra các dự thảo nghị quyết, dự án, đề án, báo cáo trình tại kỳ họp; giúp Thường trực HĐND trong công tác giám sát giữa 2 kỳ họp. Số lượng thành viên ban do HĐND quyết định. Việc quy định Thường trực HĐND trình bày ý kiến (thay cho thẩm tra) về dự thảo nghị quyết, dự án, đề án, báo cáo là không khả thi, dễ hình thức, vì vậy cần có 1 ban giúp thực hiện nhiệm vụ này. Thành phố Cần Thơ trong nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này (cụ thể là HĐND các phường thuộc quận Bình Thủy) đã thành lập Tổ Thẩm tra - Giám sát và đã phát huy được hiệu quả, đây là cơ sở để địa phương kiến nghị.

Về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật (Dự thảo ngày 19.1.2015). Cụ thể: số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất là 30% trên tổng số đại biểu HĐND. Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu HĐND. Đề nghị số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cấp xã ít nhất là 2 đại biểu.

Về chức năng, nhiệm vụ của tổ đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã. Vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó cơ bản thống nhất với Dự Luật như hiện nay,  nhất là cơ cấu Tổ trưởng hoặc Tổ phó là đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, để thuận lợi cho địa phương và thống nhất trong cả nước, đề nghị quy định Tổ trưởng là đại biểu chuyên trách. 

Về Đoàn Thư ký, Thư ký HĐND: đề nghị bổ sung quy định Tổng thư ký HĐND (cấp tỉnh, cấp huyện) và Thư ký (cấp xã, nếu xã không có Trưởng ban chuyên trách) phải là Ủy viên của Thường trực HĐND. Vì Tổng thư ký là người phát ngôn của HĐND nên phải được cơ cấu trong Thường trực HĐND để kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND. 

Bên cạnh đó, HĐND cần có bộ máy giúp việc độc lập, ở đâu có HĐND thì phải có Văn phòng HĐND giúp việc (trừ cấp xã) và được xác định rõ vị trí, vai trò là cơ quan gì trong khối cơ quan nhà nước. Bổ sung quy định về khen thưởng đối với các tập thể: Thường trực HĐND, ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và cá nhân đại biểu HĐND kiêm nhiệm (hiện Luật Thi đua khen thưởng chỉ quy định khen tập thể HĐND và cá nhân đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách). Đồng thời, có quy định về tặng kỷ niệm chương cho đại biểu HĐND các cấp và cá nhân có thành tích trong đóng góp, phục vụ hoạt động của HĐND các cấp.

Nguyễn Thanh Sơn
Phó chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ
(theo Báo Đại biểu Nhân Dân)