Ngày 02/11/2015, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 tham gia thảo luận đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ): thống nhất cơ bản Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Với tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô tiếp tục giảm và ở mức thấp. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự hoạt động tích cực, hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt sâu sát của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và toàn dân, nên có 13/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2015 đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, ước đạt 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp dự báo khoảng 2%, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn. Thị trường xuất khẩu giảm về số lượng và giá trị; trước chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, đề xuất cần đánh giá chính xác về kết quả thực hiện hai chủ trương này để Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương có giải pháp uốn nắn và thực hiện quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đem lại kết quả cao nhất; đối với hoạt động ngân hàng, năm 2015 ngành ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Ngân hàng nhà nước đã dựa vào Luật ngân hàng nhà nước, Luật tổ chức tín dụng và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Theo lộ trình như yêu cầu kiểm soát đặc biệt, yêu cầu tăng vốn, yêu cầu sáp nhập, hợp nhất, khi không thể sáp nhập tự nguyện mà nợ xấu, nợ mất vốn vượt quá xa vốn tự có, nguy cơ mất an toàn hệ thống gia tăng nguy hiểm, Ngân hàng nhà nước đã tiến hành mua bằng 0 với 3 ngân hàng. Qua theo dõi cho thấy các ngân hàng sau khi đã được xử lý đều hoạt động đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi được củng cố, nợ xấu giảm dần, hoạt động tốt dần lên, tài sản được tăng nhanh. Có thể đánh giá Ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đảm bảo ổn định thị trường vàng, thành công trong kiểm soát lạm phát đã kéo được lãi suất xuống thấp và ổn định. Tỷ giá hối đoái được ổn định, dự trữ ngoại hối được tăng cao, đến nay đạt được 38 tỷ đô la. Với nhiều giải pháp, các tổ chức tín dụng đã tự xử lý và kết hợp với bán nợ xấu cho VAMC đã đưa nợ xấu về dưới 3%. Các chương trình cho vay theo chương trình của Chính phủ được các ngân hàng quan tâm, tăng trưởng tín dụng đạt khá, góp phần cho sản xuất kinh doanh được ổn định và phát triển. Đề xuất ngân hàng xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và nông dân để khuyến khích đầu tư phát triển.
Về công tác tiếp dân và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri: đánh giá cao Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng các ngành đã tăng cường công tác tiếp dân, xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo kiến nghị của công dân. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ và thực tế giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại địa phương cho thấy nhiều vụ khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, có vụ việc kéo dài 10, 20 năm, gây bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân do trong quá trình giải quyết các cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh chứng cứ, tham mưu báo cáo trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết luôn thay đổi, có nhận định khác nhau rất tùy tiện, không căn cứ vào chứng cứ và quy định của pháp luật. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quan tâm rà soát, giải quyết dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có sai sót về nội dung, thẩm quyền giải quyết và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức giải quyết sai vụ việc, để củng cố niềm tin Nhân dân.
Các nội dung đề xuất tại phiên thảo luận sẽ được Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định./.
Lê Lạc