Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/1014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Ngày đăng: 10-02-2023 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

Thực hiện ủy quyền của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thành lập Đoàn giám sát do ông Đào Chí Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ làm Trưởng đoàn.

Từ ngày 06 đến ngày 10/02/2023, Đoàn giám sát làm việc với UBND thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND quận Thốt Nốt, UBND huyện Phong Điền; Phòng giáo dục và Đào tạo và đại diện một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn các quận, huyện. Để có thêm thông tin về nội dung giám sát, Đoàn giám sát còn tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại một số cơ sở giáo dục; khảo sát một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giám sát bằng phiếu điều tra xã hội học đối với cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.


Ông Đào Chí Nghĩa, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu
 tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ

Qua các buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục của thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/1014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, bước đầu đã giúp học sinh biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống, phát huy tính sáng tạo, tự tin của học sinh,…. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông như: giáo viên phải thẩm định chương trình sách giáo khoa bằng file điện tử và không có nhiều thời gian nghiên cứu, cho ý kiến; việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương để giảng dạy chưa thực hiện kịp thời; việc dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội đã gây áp lực cho giáo viên; thiếu biên chế giáo viên các cấp giáo dục phổ thông nhưng không có nguồn tuyển dụng; sĩ số học sinh trên lớp vượt quá quy định; nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng (phòng dạy môn mỹ thuật, âm nhạc) hoặc có nhưng không đảm bảo về diện tích, quy chuẩn kỹ thuật (cách âm), phòng học không đủ diện tích; nhiều cơ sở giáo dục chưa có hoặc thiếu trang thiết bị dạy và học, không có sân, khuôn viên để triển khai dạy môn giáo dục thể chất, hoạt động ngoài trời hiệu quả; một số quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông chưa phù hợp, cụ thể nên địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện còn khó khăn,...

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kịp thời có biện pháp khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, sẽ tập trung kiến nghị cơ quan thẩm quyền Trung ương và địa phương các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát, nhằm đảm bảo việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra trong thời gian tới./.

Trung Hiếu