Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố lấy ý kiến đóng góp Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Ngày đăng: 11-09-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Ngày 10 tháng 9 năm 2015, Đoàn ĐBQH thành phố do ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố chủ trì, đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tham dự hội nghị có ĐBQH Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ; ĐBQH Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; đại diện các sở, ngành thành phố; đại diện: Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ, Đoàn Luật sư thành phố và các cơ quan báo, đài tại địa phương.

(Ông Huỳnh Văn Tiếp, phát biểu tại Hội nghị)

Tại hội nghị, đa số ý kiến tán thành với quy định của Dự án Bộ luật (sửa đổi) và cho rằng các quy định cơ bản đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về quan hệ dân sự được chặt chẽ và hiệu quả hơn so với quy định của Bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau và nhiều câu hỏi đặt ra tại Hội nghị, điển hình các nội dung như:

Về chuyển đổi giới tính: Nhiều ý kiến cho rằng quy định cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính là phù hợp, vì đảm bảo quyền lợi, quyền dân chủ của công dân. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì Nhà nước không công nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân nên dẫn đến mâu thuẫn giữa hai văn bản luật; có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính đối với một số trường hợp đặc biệt (ví dụ như do rối loại nhiễm sắc thể,…).

Về vật quyền: Một vài ý kiến thống nhất khi đưa khái niệm này vào trong Dự thảo, vì thể hiện tính đầy đủ về mặt pháp lý đối với sở hữu tài sản; một vài ý kiến thì cho rằng không nên đưa khái niệm “Vật quyền” vào trong Dự thảo mà nên sử dụng khái niệm “Quyền đối với tài sản” như Bộ luật hiện hành là được, vì hai khái niệm này có nội hàm như nhau, nên nếu sử dụng khái niệm “Vật quyền” sẽ gây nên xáo trộn trong nhận thức của người dân.

Về tập quán pháp: Đa số các ý kiến tán thành áp dụng tập quán pháp trong xét xử. Tuy nhiên, khái niệm “Tập quán pháp” nêu trong Dự thảo chưa rõ chủ thể thừa nhận tập quán pháp là ai (dân tộc, cộng đồng dân cư,…) mà chỉ quy định “Tập quán pháp là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung chủ thể thừa nhận tập quán pháp là cộng đồng dân cư, vùng, miền,…, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ hơn; có ý kiến đặt câu hỏi, trong trường hợp trong cùng một địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, xảy ra tranh chấp dân sự giữa các bên có tập quán khác nhau và hai tập quán xung đột về mặt văn hóa, lợi ích thì cơ quan xét xử sẽ áp dụng tập quán của dân tộc nào? Vì vậy, cần quy định rõ tiêu chí về việc lựa chọn tập quán pháp trong áp dụng, nhằm đảm bảo tính phù hợp.

Về điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản: Đa số ý kiến thống nhất với phương án 1 là bỏ quy định cho phép Tòa án được sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, vì quy định như vậy là không phù hợp với bản chất của hợp đồng là tự do ý chí, tự do thỏa thuận, cơ quan nhà nước không nên can thiệp vào sự tự do thỏa thuận của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng.

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản: Một vài ý kiến thống nhất phương án 2 quy định lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự, vì đây là công cụ quan trọng điều chỉnh thống nhất các quan hệ vay tài sản trong dân sự, việc tiếp cận các mức lãi suất khác (nếu không quy định lãi suất cơ bản) là rất khó khăn đối với đa số người dân. Vì vậy, việc quy định mức lãi suất cụ thể là phù hợp; một vài ý kiến khác thì cho rằng không nên quy định mức lãi suất cụ thể, vì như thế sức sống của Bộ luật sẽ bị hạn chế, đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ thêm căn cứ khoa học khi đưa ra tỉ lệ phần trăm về mức lãi suất đối với 2 phương án, để quy định mang tính khả thi hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về quyền nhân thân của cá nhân; về pháp nhân; về thời hiệu; về quyền sở hữu vật quyền khác; về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự; quyền có họ, tên; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; di sản dùng vào việc thờ cúng,…

Kết thúc Hội nghị, Ông Huỳnh Văn Tiếp thay mặt Đoàn ĐBQH ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng thời, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tổng hợp, kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định.

                                                                                               Trần Thanh Bình