Đoàn ĐBQH lấy ý kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ngày đăng: 16-09-2014 - Hoạt động Đoàn ĐBQH
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp các Dự án luật chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 15-9-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đa số ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian qua; hơn nữa trong bối cảnh quỹ BHXH nước ta có nguy cơ bị vỡ, không có khả năng chi trả vào năm 2025, nên việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định kịp thời sẽ hạn chế khả năng rũi ro vừa đề cập đối với quỹ BHXH. Nhìn chung, Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về BHXH trong thời gian tới.

Đa số các ý kiến tán thành với quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với các đối tượng: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 đến dưới 03 tháng; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người nông dân và người lao động ở khu vực phi chính thức, vì cho rằng quy định này sẽ đảm bảo tính công bằng cho người lao động và góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho các đối tượng khi về hưu hoặc đến tuổi không còn sức lao động.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định xử lý nghiêm đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo quỹ BHXH được duy trì và lớn mạnh.

Đối với quy định giao thẩm quyền thanh tra hoạt động BHXH cho cơ quan BHXH: Nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình với quy định này, vì cho rằng cơ quan BHXH thực hiện việc thanh tra ngành sẽ đảm bảo chiều sâu về mặt chuyên môn và nghiệp vụ hơn so với cơ quan khác ngoài ngành, từ đó, hành vi sai phạm sẽ dễ bị phát hiện và xử lý kịp thời; bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với việc bỏ quy định tạm dừng hưởng trợ cấp BHXH đối với đối tượng đang chấp hành hình phạt tù, vì cho rằng nguyên tắc của BHXH là có đóng thì phải có hưởng.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, và cần phải tiếp tục nghiên cứu, điển hình như:

Đối với quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH: Nhiều ý kiến không tán thành với phương án 1, quy định đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện và được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ, vì như vậy sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa người hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; và cũng không đảm bảo sự công bằng đối với cán bộ công tác ở địa phương không có điều kiện hỗ trợ. Do vậy, nhiều ý kiến lựa chọn phương án 2, quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của Nhà nước, vì đảm bảo tính công bằng. Suy cho cùng, tính chất công việc đảm nhiệm của hai đối tượng này không khác nhau, đều là lực lượng cán bộ nằm trong hệ thống bộ máy chính trị của Nhà nước; cũng tại phương án 2 này, một vài ý kiến đề nghị nên quy định khống chế mức hỗ trợ tối thiểu việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 05 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), nhằm đảm bảo tính công bằng cho cán bộ Nhà nước trên phạm vi cả nước; nếu địa phương nào có điều kiện thì hỗ trợ thêm.

Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội: Có ý kiến không đồng tình với quy định chi phí quản lý BHXH hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, vì cho rằng quỹ BHXH là tiền của người lao động đóng nên số tiền sinh lợi phải được gộp vào để quỹ lớn lên và chi trả cho người lao động. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Luật điều chỉnh cho phù hợp.

                                                                                           Trần Thanh Bình