Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp các Dự án luật chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 23-9-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt nam.
(Ông Huỳnh Văn Tiếp phát biểu tại Hội nghị)
- Tại Hội nghị, đa số ý kiến cho rằng hoạt động HKDD là hoạt động mang tính chất đặt thù, đoi hỏi phải đảm bảo sự an toàn rất cao, nên việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn nữa để hạn chế tối đa rủi ro; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước trong thời kỳ mới, cũng như đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về HKDD và Hướng dẫn của Tổ chức HKDD quốc tế.
- Một vài ý kiến cho rằng nên bổ sung khái niệm "Nhà khai thác cảng hàng không, sân bay" nhằm đảm bảo tính bao quát của Luật, và cũng nhằm để phân biệt với khái niệm "Người khai thác cảng hàng không, sân bay". Theo quy định của Luật hiện hành thì trách nhiệm chính trong việc quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay thuộc về doanh nghiệp hàng không, sân bay, và trong trường hợp này, doanh nghiệp được xem là Nhà khai thác chứ không phải là Người khai thác, hơn nữa, với quy định này, sẽ làm giảm vai trò, trách nhiệm của Giám đốc cảng hàng không, sân bay, trong khi đối tượng này là người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, khai thác tại cảng hàng không, sân bay. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng quy định Giám đốc cảng hàng không, sân bay là Nhà khai thác cảng hàng không, sân bay, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay. Giấy phép khai thác cảng cũng được cấp trực tiếp cho Nhà khai thác cảng hàng không, sân bay, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trực tiếp của cảng hàng không, sân bay.
- Về trách nhiệm quản lý nhà nước về HKDD:
+ Đa số ý kiến tán thành phương án 1 quy định Cơ quan quản lý chuyên ngành HKDD trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không…,” vì HKDD là lĩnh vực giao thông vận tải hết sức đặt thù, đòi hỏi phải có người có thẩm quyền trực tiếp xử lý, giải quyết kịp thời các yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, hơn nữa, công việc này diễn ra thường xuyên mang tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể Cục HKDD Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ tưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước về HKDD Việt Nam, đồng thời, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của “Cục trưởng Cục HKDD Việt Nam, nhằm khẳng định tính pháp lý, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn nữa đối với đối tượng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về HKDD.
+ Có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra chuyên ngành HKDD (chứ không quy định Thủ tướng Chính phủ như Dự thảo Luật), vì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp về hoạt động HKDD.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh là trực thăng, tàu lượn, khí cầu, nhằm đảm tính bao quát của Luật.
- Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành HKDD được quyền tạm giữ tàu bay, để việc áp dụng được dễ dàng và thống nhất trên cả nước.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII./.
Trần Thanh Bình