Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Ngày đăng: 11-12-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- Sáng ngày 10-12, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống có buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản do ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP Cần Thơ.

Đoàn DN Nhật Bản đến TP Cần Thơ lần này gồm 32 DN hoạt động trong lĩnh vực: máy nông nghiệp, phụ tùng máy nông nghiệp; giống cây trồng; sản xuất và kinh doanh phân bón; chế biến, thương mại và một số hợp tác xã nông nghiệp. Với việc sở hữu công nghệ hiện đại trong phát triển nông nghiệp, DN Nhật Bản tin tưởng rằng có thể hợp tác, hỗ trợ TP Cần Thơ nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản chủ lực của vùng như: lúa gạo, thủy sản, trái cây... Đại diện ngành nông nghiệp TP Cần Thơ giới thiệu tiềm năng và định hướng phát triển và mời gọi phía Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, logictics, đào tạo nhân lực, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thới Lai và Cờ Đỏ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, TP Cần Thơ sẵn lòng đón tiếp và tạo mọi điều kiện để các DN Nhật Bản đầu tư tại Cần Thơ. Thành phố mong muốn phía Nhật Bản hợp tác đầu tư, hỗ trợ ở 4 lĩnh vực: sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn; phát triển ngành nông nghiệp bền vững, hoàn thiện chất lượng, khẳng định được thương hiệu; tái cấu trúc ngành nông nghiệp trong tương lai (giá trị, mô hình sản xuất, phương thức sản xuất...); mời gọi đầu trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, các ngành nghề phụ trợ làm "bệ đỡ" cho nông nghiệp...

 Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Jetro tổ chức "Buổi kết nối DN Nhật Bản-Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp" với sự tham gia của 32 DN Nhật Bản và 58 DN đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Dịp này, các DN Nhật Bản thông tin về công nghệ tiên tiến, các máy móc, thiết bị và các lĩnh vực mong muốn hợp tác đầu tư (sản xuất rau quả sạch; giống cây trồng chất lượng cao, xây dựng thương hiệu...). DN ĐBSCL mạnh dạn yêu cầu phía Nhật Bản chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản và các thị trường khó tính khác...

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mặc dù chưa có các hợp đồng ghi nhớ được ký kết trong dịp này. Nhưng buổi kết nối mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư giữa DN 2 bên. Đặc biệt, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có thể mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, đưa nông sản ĐBSCL khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

MỸ THANH