Đoàn giám sát về “tình hình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” làm việc với UBND TP Cần Thơ

Ngày đăng: 15-04-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình giám sát tình hình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại TP. Cần Thơ, ngày 14/4/2015 Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ do ông Huỳnh Văn Tiếp (Thành ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH) làm Trưởng Đoàn đã tiến hành làm việc với UBND TP. Cần Thơ và các Sở, ngành liên quan, theo báo cáo của UBND thành phố việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn (theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ) bước đầu đã phát huy được hiệu quả: các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mở rộng; đã xây dựng được các chuỗi nông sản chủ lực của thành phố (như: vùng tập trung cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi cá tra theo theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học,…); cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, chế biến nông sản cơ bản được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân.

Bên cạnh đó việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng gặp khó khăn, vướng mắc như: phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển xứng tầm; chất lượng và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản còn thấp; kinh phí đầu tư, hỗ trợ để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; giá cả hàng hóa nông sản chưa ổn định; kinh phí bố trí để thực hiện chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa xứng tầm; chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp chưa phát huy được hiệu quả,…

Tại buổi giám sát, các đại biểu đại diện các ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, đầu tư  cho địa phương hình thành 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cho thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của địa phương; bố trí nguồn kinh phí phù hợp đảm bảo đủ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với đề án tái cơ cấu; sớm quy hoạch hoàn thành các vùng chuyên canh sản xuất gắn với việc vận động doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản; tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra, đẩy mạnh xuất khẩu tạo được vùng nguyên liệu ổn định để người nông dân an tâm sản xuất,…

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát ông Huỳnh Văn Tiếp ghi nhận các kiến nghị địa phương đã đề xuất. Đoàn ĐBQH Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan Trung ương và địa phương giải quyết theo quy định./.

Lê Lạc