(CT)- Ngày 12-10-2015, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Các đại biểu đóng góp xoay quanh các vấn đề như: quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; vị trí, vai trò, sự tham gia và việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân; thẩm quyền của hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm; công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án; án lệ trong tố tụng dân sự...
Các đại biểu đề nghị, trường hợp kiểm sát viên tham gia phiên tòa vắng mặt, HĐXX vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo việc nhanh chóng xét xử, giải quyết vụ án. Đa số đại biểu tán thành quy định HĐXX giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật mà dự thảo quy định. Vì thực tiễn có những vụ việc các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đầy đủ, rõ ràng, đủ căn cứ làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không ảnh hưởng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự, hoặc cơ quan tổ chức, cá nhân khác nhưng HĐXX giám đốc thẩm vẫn phải hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án để giao về tòa án cấp dưới xét xử, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết, không bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Các đại biểu đồng ý dự thảo việc đại diện tổ chức Công đoàn tham gia làm Hội thẩm nhân dân các vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (được xem là người yếu thế trong quan hệ lao động). Quy định xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn được đại biểu đồng ý vì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh, đương sự không mất thời gian đi lại. Đại biểu còn cho rằng không nên quy định án phí giám đốc thẩm vì tòa án có trách nhiệm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm pháp luật, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
P.Y