(CT)- Ngày 21- 9-2015, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn thành phố đã đến dự.
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được ban hành gồm 10 chương với 75 điều thay thế pháp lệnh Cơ quan điều tra hình sự 2004. Tại hội nghị, các đại biểu góp ý tập trung vào các vấn đề như: trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyền hạn điều tra của các cơ quan của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên; nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện; quyền hạn của kiểm lâm. Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an là phù hợp với thực tiễn, vì trong nhiều trường hợp, lực lượng này là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã nên việc giao cho các cơ quan này tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra là cần thiết. Tại Điều 38, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quyền hạn của trại tạm giam vì trong dự thảo luật chỉ mới nêu quyền hạn của trại giam. Còn Điều 55, đại biểu đề nghị luật cần làm rõ đại diện lãnh đạo cơ quan điều tra hình sự tham dự hội đồng thi tuyển Điều tra viên gồm những ai. Đại biểu đề nghị nên có một chức danh cụ thể cho cán bộ điều tra, vì theo dự thảo luật cán bộ điều tra cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp chỉnh sửa một số nội dung của dự thảo luật để phù hợp với các luật khác...
P.Y