Giá trị của nghề thủ công truyền thống trong đời sống người dân Cần Thơ

Ngày đăng: 14-11-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Trần Phỏng Diều

Các hoạt động sản xuất chủ yếu bằng tay với công cụ giản đơn, đã hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời tại Việt Nam. Ở Cần Thơ, các ngành nghề thủ công, quy mô sản xuất không lớn nhưng luôn gắn liền với đời sống kinh tế, sản xuất và sinh hoạt của người dân, phản ánh một phần tập quán và văn hóa địa phương.

Các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ được hình thành và phát triển do nhu cầu nội tại trong quá trình lao động sản xuất và do người dân di cư từ miền Trung và miền Bắc đem vào.

Các nghề do nhu cầu nội tại hình thành khi những lưu dân đặt chân đến vùng đất này, ngoài việc làm nông nghiệp để có cái ăn, họ còn sản xuất những vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, khi các lưu dân từ miền Trung, miền Bắc vào Nam khai khẩn, trong hành trang văn hóa của họ, có những nghề thủ công truyền thống. Trong số các lưu dân, có nhiều người là thợ thủ công. Họ mang theo bên mình các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của các nghề thủ công cổ truyền từ quê hương bản quán. Với vốn tay nghề sẵn có, và nhằm đáp ứng những nhu cầu rất lớn về vật dụng tại nơi ở mới, họ đã tận dụng những nguyên liệu tại chỗ, vừa tự mình hành nghề, vừa truyền nghề cho con cháu, cho người thân, hàng xóm- những ai thật sự tha thiết học nghề(1).

Ở Cần Thơ hiện nay, các nghề có nguồn gốc từ miền Trung, miền Bắc đã có mặt từ rất sớm và trở thành một thành tố của diện mạo văn hóa dân gian nơi đây, như: nghề đan lưới ở Thơm Rơm, nghề dệt chiếu ở Kinh E. Chính các yếu tố nội sinh và ngoại sinh này đã làm cho các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ hình thành và phát triển.

Mặt khác, trình độ nông nghiệp phát triển của vùng đất Cần Thơ đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công truyền thống. Ngay từ rất sớm, lúa gạo đã được sản xuất dư thừa so với nhu cầu lương thực trong vùng. Lượng lúa gạo dư thừa trở thành hàng hóa bán ra các nơi khác. Nhịp độ phát triển nhanh chóng của nền nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, và một bộ phận đi vào chuyên môn hóa.

Những giá trị kinh tế- xã hội

Một đặc điểm nổi bật của các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ là quá trình thương mại hóa các nghề. Cùng với nông nghiệp, các nghề thủ công đã trở thành một bộ phận tích cực của nền sản xuất hàng hóa ở vùng này. Sản phẩm làm ra chủ yếu là để bán ở các chợ, các đô thị, thị trấn trong vùng. Một số mặt hàng còn được bán sang các tỉnh khác. Điều này góp phần nâng cao đởi sống kinh tế của người dân địa phương(2). 

Dệt chiếu ở làng nghề dệt chiếu Thường Thạnh (Cái Răng). Ảnh: DUY KHÔI 

Đa số các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ nằm ở ngoại ô thành phố- nơi kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Có thể nhận thấy, vùng ngoại thành nào có làng nghề thủ công, thì cuộc sống của cư dân nơi đó có phần khấm khá hơn so với những vùng thuần nông. Còn nếu làng nghề nằm ở vùng ven hay vùng đô thị thì cư dân ở đó có một đời sống kinh tế tương đối ổn định. Rõ ràng, các làng nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ vào việc tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.

Các nghề thủ công truyền thống không chỉ có vai trò giúp nâng cao kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương mà còn góp phần vào việc ổn định trật tự xã hội. Địa phương có nghề thủ công phát triển sẽ thu hút được nguồn lao động nông nhàn, giải quyết đáng kể việc làm cho một bộ phận dân cư, hạn chế các tệ nạn xã hội: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp…

Những giá trị văn hóa

Các nghề thủ công truyền thống là một thành tố cơ bản của văn hóa dân gian nên cũng góp phần vào việc hình thành và phát triển các giá trị văn hóa nơi cộng đồng làng xã. Sản phẩm thủ công không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật mà còn có yếu tố nghệ thuật. Chính điều này làm nên chất nghệ sĩ của người thợ thủ công và tính văn hóa cao của các nghề thủ công.

Tính văn hóa đó trước hết thể hiện ngay chính trong tổ chức xóm nghề, giữa các thợ thủ công với nhau và với nghề. Tính tổ chức đó cao hơn hẳn so với nghề nông. Từ sự phân công tự giác và rạch ròi giữa thợ cái/ thợ cả với thợ phụ ngay trong một lò/ xưởng đến việc liên kết giữa các nhóm thợ chuyên các sản phẩm khác nhau, tạo nên một thiết chế xã hội nghề nghiệp tương tự như các thiết chế xã hội khác. Trong thiết chế xã hội này, giữa các thành viên có chất kết dính hết sức mạnh mẽ là lòng yêu nghề và sự tri ân các thế hệ đã có công tạo dựng và phát triển các nghề thủ công mà biểu hiện rõ nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Mỗi dịp cúng tổ là một lần củng cố thiết chế xã hội của các người thợ, giúp họ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối việc làm ăn và thêm gắn bó với nhau. Trong hầu hết các đình thần của mỗi xóm ấp ở Nam bộ đều có bàn thờ Tiên sư, chính là đối tượng tôn thờ của tín ngưỡng thờ tổ nghề.

Ngoài ra, các nghề thủ công còn góp phần xây dựng tiện nghi và bộ mặt thẩm mỹ cho đời sống người dân. Các sản phẩm do họ tạo tác nên không chỉ mang tính thực dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ độc đáo, là nơi họ gửi gắm những ước vọng bay bổng của tâm hồn. Do vậy, ngoài công năng vốn có của nó, tự thân mỗi sản phẩm nghề thủ công còn là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện thế cách của con người trong ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội vốn còn nhiều mới mẻ ở vùng đất này(3). 

 Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (Bình Thủy) đã giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: DUY KHÔI

Giá trị văn hóa của các nghề thủ công truyền thống còn thể hiện ở lối sống, phong tục của từng cộng đồng. Mỗi làng, do ảnh hưởng của nghề, có một lối sống, phong tục tập quán tương đối đặc biệt. Một đặc điểm trong lối sống của các nghề thủ công truyền thống là tính cộng đồng và tính nhân văn cao. Một sản phẩm thủ công được hoàn thành phải qua nhiều công đoạn, mọi người cùng có trách nhiệm. Công việc của người này có liên quan đến chất lượng công việc của người kia, vì thế luôn luôn có mối quan hệ ràng buộc giữa những người thợ với nhau, tạo nên một lối sống cộng đồng có trách nhiệm. Tính cộng đồng trong các nghề thủ công truyền thống thể hiện rất cao qua cách thức sản xuất. Mỗi thành viên trong làng không lao động đơn lẻ. Người này học hỏi người kia, kinh nghiệm được trao đổi cho nhau. Qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng đậm đà. Mức độ cạnh tranh nghề nghiệp không mãnh liệt nên không tiêu diệt được tình làng nghĩa xóm, mà trái lại, họ phải thi đua sản xuất để giữ thị trường, đạt được số lượng cần thiết của phía đặt hàng(4).

***

Hiện nay, các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ gặp không ít khó khăn: sản phẩm làm ra khó tiêu thụ; khó đáp ứng các đơn hàng lớn trong một thời gian nhất định khi có yêu cầu; chất lượng một số sản phẩm không cao; thiếu vốn phát triển sản xuất… Trong bối cảnh như vậy, các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ cần chú ý khai thác các giá trị văn hóa của làng nghề để góp phần nuôi sống và phát triển ổn định làng nghề. Từ chỗ là gạch nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, nghề thủ công nên dần chuyển sang vai trò là gạch nối giữa các ngành sản xuất và dịch vụ du lịch.

Thông qua việc chiêm ngưỡng một sản phẩm thủ công, người ta có thể phân tích để thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là của cả cộng đồng, đã chế tác ra nó. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức của cả cộng đồng. Vì vậy, khách du lịch thường quan tâm đến các sản phẩm thủ công và quy trình sản xuất của nó. Các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng. Và như thế, nghề thủ công truyền thống cũng như các sản phẩm của nó là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa và chia sẻ tình cảm giữa các cá nhân và giữa các cộng đồng với nhau(5).

...............................

(1) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.183-184.

(2) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.183-184.

(3) Lê Công Lý (2014), Vai trò của xóm nghề đối với đời sống cư dân Nam Bộ, Tạp chí Nguồn sáng dân gian số 2, tr.84-85.

(4) Tôn Nữ Quỳnh Trân, Sđd, tr.603-604.

(5) Lê Công Lý, Tlđd, tr.85.