(CT)- Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường đại học, 1 Phân hiệu Đại học Kiến Trúc, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV; 5 trường cao đẳng và Phân hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP Hồ Chí Minh; 12 Trường Trung cấp chuyên nghiệp và 73 cơ sở dạy nghề. Đội ngũ giảng viên với hơn 5.069 người. Trong đó có 14 Giáo sư, 123 Phó Giáo sư, 383 tiến sĩ, 1.966 thạc sĩ, 18 chuyên khoa I, 25 chuyên khoa II và còn lại là đại học. Với nguồn lực như trên, TP Cần Thơ chiếm đến 68,6%, quy mô đào tạo chiếm trên 71,8% so với toàn vùng. Trong đó đào tạo cho các tỉnh ĐBSCL chiếm trên 50%, hằng năm có hơn 14.000 sinh viên tốt nghiệp. Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế là 657.864 lao động, chiếm 53,4% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,6%...
Với những con số trên, có thể thấy, nguồn nhân lực của TP Cần Thơ khá dồi dào và được cải thiện về chất lượng qua từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là lao động được đào tạo ở trình độ cao vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhìn nhận: Bên cạnh những thành tựu về kinh tế-xã hội đạt được, Cần Thơ vẫn còn những mặt tồn tại. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguồn nhân lực hiện nay cả về chất lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Với tập quán sản xuất nông nghiệp, một số gia đình vẫn chưa quan tâm đúng mức và ý thức sâu sắc về việc nâng cao dân trí... Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình phát triển nguồn nhân lực của thành phố về cơ cấu chuyên môn đào tạo nhìn chung cân đối so với cơ cấu kinh tế của thành phố: giáo dục-đào tạo 26%; khoa học, xã hội, nghệ thuật, nhân văn 7%; y tế 12%... Tuy nhiên, cơ cấu nghề nghiệp của người lao động lại không tương ứng với với cơ cấu kinh tế và cơ cấu chuyên môn được đào tạo. Điển hình là lao động kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp chiếm 15%, kỹ thuật xây dựng 38%, chuyên môn kỹ thuật trung cấp trở lên 11%...
Công nhân Công ty TNHH May Xuất nhập khẩu Hào Tân, Khu Công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng trong giờ làm việc.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, cho rằng, so với xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, đại bộ phận lao động của Cần Thơ hiện nay cơ bản còn ở trình độ phổ thông. "Điều này mâu thuẫn gay gắt với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Các nước phát triển có thể cho ta tiền nhưng không bao giờ cho ta công nghệ. Cộng nghệ phải do ta chủ động tìm kiếm ở họ từ nguồn lực có trình độ công nghệ cao"- ông Trần Văn Tư nhấn mạnh. Với yêu cầu đó, cùng với bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc đào tạo, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định TP Cần Thơ "mở rộng quy mô, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo một cách đồng bộ; chú trọng đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh trong vùng". Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra là "Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Từ định hướng trên có thể thấy, vấn đề cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, tạo sức lan tỏa cho các địa phương trong vùng mà còn đưa Cần Thơ vững tin hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, Cần Thơ cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề, đồng thời đặt chúng trong mối quan hệ tổng thể và đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Song song đó, phát triển thị trường lao động có định hướng gắn đào tạo với sử dụng lao động; đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ đắc lực cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Theo ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được TP Cần Thơ chọn là giải pháp có tính đột phá và cấp bách trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. TP Cần Thơ đang tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đào tạo đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao đáp ứng yêu cầu nền kinh tế tri thức; gắn kết hợp lý các khâu đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường hợp tác với các viện trường trong và ngoài nước trong công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề...
Bài, ảnh: MỸ THANH