Thời gian qua, thành phố xây dựng, ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo, tổ chức thông tin bằng nhiều hình thức các chủ trương, điển hình, mô hình giảm nghèo để người nghèo có điều kiện tiếp cận các chính sách trợ giúp. Thành phố xây dựng 15.308 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho 307.252 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; dạy nghề cho 1.940 người nghèo; hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn cho 12.670 hộ nghèo; cấp trên 600.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, cấp học bổng cho 55.145 lượt học sinh nghèo… Các địa phương thực hiện đúng quy trình, cách thức xác định hộ nghèo. Giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của thành phố đạt bình quân 1,22%/năm, đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Thành ủy, HĐND thành phố và Chương trình mục tiêu giảm nghèo thành phố (giảm 1%/năm). Tuy nhiên, một số hộ nghèo không tư liệu sản xuất, mô hình làm ăn hoặc không cần cù lao động nên địa phương ngại xét duyệt vay vốn, chưa bố trí biên chế cán bộ giảm nghèo các huyện. Một số địa phương chưa quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo. Hằng năm, số hộ thoát nghèo khá cao, nhưng hầu hết mới vượt qua chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo cao nên thoát nghèo thiếu bền vững…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Tiếp đề nghị các đơn vị chức năng thành phố bám sát đề cương để hoàn chỉnh báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định. Trong đó, chú ý nêu cụ thể, đầy đủ kết quả tổ chức, nguồn lực, vận động xã hội hóa cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước; đồng thời, phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo thành phố thời gian qua. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng ghi nhận đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để tập hợp, trình Quốc hội và Chính phủ xem xét, giải quyết.
ANH PHƯƠNG (Báo điện tử Cần Thơ)