Gỡ khó để kinh tế - xã hội thành phố phát triển

Ngày đăng: 05-08-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2015. Tại cuộc họp này, đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở ngành thành phố và địa phương cần quyết tâm vào cuộc, kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế trong từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương mình nhằm tạo chuyển biến mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

* Nhiều chuyển biến tích cực

Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 tình hình kinh tế- xã hội TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp chính quyền thành phố đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, du lịch… đạt mức tăng trưởng khá tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, góp phần cải thiện đời sống người dân. 

Thời gian qua, nông dân trồng lúa còn thường xuyên phải đối mặt với cảnh “trúng mùa mất giá”.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu 2015 tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Trong tháng 7, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 8,62% so với tháng trước; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 10.219,7 tỉ đồng, tăng 9,3%. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2015, IIP tăng 6,95% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 55.794,7 tỉ đồng, đạt 54,1% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tình hình lưu chuyển và cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nội địa tiếp tục đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng ước thực hiện 89.657 tỉ đồng, đạt 69% kế hoạch, tăng 12,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 49.055 tỉ đồng, đạt 60,6% kế hoạch, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp du lịch đón và phục vụ 1.161.488 lượt khách lưu trú, đạt 84,5% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ (trong đó có 116.438 lượt khách quốc tế); doanh thu toàn ngành ước đạt 1.155 tỉ đồng, đạt 92,4% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song tình hình phát triển kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa phát triển nhanh như mong muốn do còn thiếu các nguồn lực đầu tư, nhất là khi việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn tình trạng nhỏ lẻ, chưa chủ động trong khâu tiêu thụ, liên kết "4 nhà" chưa chặt chẽ và đồng bộ, giá cả nông sản không ổn định, gây khó cho người sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, kinh tế của thành phố dù tăng nhưng vẫn còn chậm, sức mua của thị trường chưa cao. Đáng chú ý là đầu ra xuất khẩu nhiều mặt hàng còn gặp khó do có nhiều sự cạnh tranh và các nước nhập khẩu tăng cường áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại… Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện gần 113,7 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, qua 7 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn còn đạt thấp so với cùng kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện gần 701,3 triệu USD, đạt 48,4% kế hoạch năm, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa gần 611,5 triệu USD, đạt 47% kế hoạch, giảm 3,8% so với cùng kỳ.

* Cần giải pháp khắc phục những hạn chế

Để thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng các cấp, các ngành thành phố và địa phương cần phải quan tâm phát huy các mặt ưu điểm và khắc phục ngay các khó khăn hạn chế trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Đặc biệt, các sở ngành thành phố và địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm, tăng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo uy tín thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp để cạnh tranh được sản phẩm cùng loại trong nước và ngoài nước. Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, hạn chế tối đa hoạt động đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực phi sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan tâm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc để triển khai nhanh các công trình, dự án quan trọng có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại thành phố…

Theo ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, du lịch của thành phố phát triển tốt trong bối cảnh cả nước giảm do thời gian qua thành phố quan tâm phát triển các cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, tour tuyến du lịch và tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội…Trong 7 tháng đầu năm thành phố đã đón và phục vụ trên 2,8 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,1 triệu khách lưu trú, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Hy vọng doanh thu ngành du lịch trong năm nay sẽ đạt gấp đôi so với năm trước. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm khắc phục ngay như: sản phẩm du lịch cần đa dạng, hấp dẫn hơn; cần có các điểm vui chơi giải trí và du lịch mang tầm cỡ...

Đối với ngành du lịch cũng như nhiều ngành khác tại thành phố, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, đang rất cấp thiết. Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đối với ngành xây dựng, để thực hiện tốt các công trình, dự án cần phải nâng cao được năng lực của chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, chỉ cần chủ đầu tư lơ là trong công tác quản lý hay lựa chọn đơn vị tư vấn kém năng lực, tư vấn thiết kế dự án không phù hợp sẽ khó đảm bảo chất lượng công trình và phát sinh nhiều chi phí không hợp lý. Tượng tự, nếu không lựa chọn và quản lý tốt đơn vị thi công và giải pháp thi công phù hợp, cũng sẽ khó đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, thậm chí còn làm phát sinh nhiều hệ lụy xấu …

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố còn gặp khó trong việc mời gọi đầu tư. Song, khi đã có doanh nghiệp đồng ý đến thực hiện các dự án đầu tư, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm do doanh nghiệp gặp các vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai và công tác giải tỏa bồi hoàn, các địa phương cần phải quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Theo đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện có nhiều công trình, dự án do doanh nghiệp đầu tư tại các quận huyện trên địa bàn thành phố như: Dự án xây dựng nhà máy may Vinatex tại Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt, dự án xây dựng Siêu thị Co.opmart tại Thốt Nốt… Các dự án này không chỉ có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế của các địa phương mà còn giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn, giúp họ "ly nông nhưng không ly hương". Chính quyền các địa phương phải quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ ngay vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Bài, ảnh: Khánh Trung