Phiên họp chiều nay của kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố, các tổ đại biểu: Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt, Bình Thủy, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến về các tờ trình, dự thảo nghị quyết, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và quyết định thông qua các Nghị quyết.
Chủ tọa điều hành thông qua Chương trình kỳ họp
Đối với các dự thảo nghị quyết, đa số đại biểu thống nhất, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị các đơn vị trình: Tờ trình mức chi hỗ trợ cán bộ quản lý trường mầm non, mẫu giáo, cần làm rõ thêm nhiệm vụ chuyên môn, thời gian làm việc, nguồn thu của trường để hỗ trợ phù hợp; Tờ trình về tiêu chí dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C, cần giải thích về khả năng nguồn vốn khi đề nghị thu hồi; Tờ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, vì sao số diện tích chuyển quá ít... Qua xem xét, HĐND đã quyết định giảm thu hồi diện tích 1 dự án, rút tên 1 dự án cần thu hồi đất và không thông qua dự thảo nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thống nhất thông qua 4 nghị quyết: Nghị quyết về bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2015; Nghị quyết về tiêu chí dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C; Nghị quyết về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về mức chi hỗ trợ giáo viên làm công tác quản lý các trường mầm non, mẫu giáo.
Biểu quyết thông qua các Nghị quyết
Đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đa số đại biểu thống nhất với dự thảo Bộ luật, về phần chung Bộ dân sự đã cụ thể hóa, thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cập nhật nhiều xu hướng mới của hoạt động diễn ra trong xã hội làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề bất cập tồn tại mới phát sinh mà Bộ luật trước chưa quy định. Về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng các quy định của dự thảo Bộ luật, ngắn gọn xúc tích dễ hiểu, câu chữ rõ ràng. Còn phần nội dung, nhất trí với Điều 19 dự thảo Bộ luật “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Bộ luật này hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết”. Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước bảo vệ cá nhân, pháp nhân kịp thời và triệt để. Mặt khác, trong thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên khi có yêu cầu của người dân thì Tòa án còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiến định của mình. Về thời hiệu ghi trong dự thảo Bộ luật, nhất trí vì quy định này là để hạn chế tình trạng Tòa án có thể căn cứ vào thời hiệu mà từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc, góp phần cụ thể hóa và triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, theo đó, “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khoản 4 Điều 40, một số đại biểu thì chọn phương án 2 “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ quan nào có thẩm quyền cho phép? Theo quy định của luật nào? Về giải quyết đơn xin được chuyển giới chẳng hạn như: UBND các cấp, tòa án... để khi thực tế xảy ra tình huống này các cơ quan chức năng có thể áp dụng pháp luật giải quyết dễ dàng hơn.
Thảo luận Tổ đóng góp dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đại biểu đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật dân sự hiện hành do hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự, như quan hệ sử dụng đất đai, điện, nước. Hiện nay một Luật chuyên ngành như: Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo hiểm y tế, Luật hợp tác xã đều ghi nhận hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể, ngoài ra Bộ luật dân sự với tư cách là luật chung, nên theo nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có tranh chấp xảy ra áp dụng quy định của luật chuyên ngành để giải quyết nếu luật chuyên ngành không quy định thì quay về áp dụng luật chung điều chỉnh, do đó quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết.
Thảo luận Tổ đóng góp dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Đa số đại biểu thống nhất với Khoản 1 Điều 145 dự thảo Bộ luật quy định: Trong nhiều trường hợp, giao dịch mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba; do đó việc tuyên bố giao dịch vô hiệu là không phù hợp với lợi ích của các bên. Trên thực tế có không ít trường hợp bên không thiện chí lạm dụng quy định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ hình thức để bội ước, gây thiệt hại cho bên đối tác - làm méo mó quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. Do đó, quy định của dự thảo Bộ luật quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường.
Thảo luận Tổ đóng góp dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Đồng thời, các đại biểu đề nghị Bộ luật cần điều chỉnh thêm về giao dịch là đồ ảo trên mạng có phải là vật có giá không? Đặt tên con bằng tên của các nhà lãnh tụ, danh nhân văn hóa khi những người mang tên này phạm pháp sẽ xử lý ra sao? Cần làm rõ hơn khái niệm bất động sản và động sản, tài sản gắn liền với đất... Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 42 “Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận”. Bởi vì nếu quy định luật xu hướng cổ xúy hôn nhân đồng giới, sống thử tràn lang chưa đảm bảo quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Điều luật này lại cho phép sống chung mà không kết hôn, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức lối sống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, phá vỡ nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng...
Qua một ngày làm việc Kỳ họp chuyên đề thứ 15 của HĐND thành công tốt đẹp, kỳ họp đã thông qua 06 nghị quyết, các ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của đại biểu sẽ được tổ thư ký kỳ họp tổng hợp báo cáo về trung ương.
Đỗ Ngọc