Trong số hơn 100 mô hình kinh hộ làm ăn hiệu quả ở quận Bình Thủy có nhiều mô hình được nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật… mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị.
Trong quá trình tìm hiểu vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế, anh Nguyễn Quang Bình, khu vực 3, phường Trà An làm quen với gà Đông Tảo hay còn gọi là gà tiến vua. Nuôi thử nghiệm từ năm 2013 và bắt đầu nuôi chính thức vào đầu năm 2014, đến nay anh Bình đã thành lập Cơ sở gà Đông Tảo Quang Bình chuyên cung cấp con giống và gà thương phẩm cho các nhà hàng ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Theo anh Bình, gà Đông Tảo có đặc điểm nổi bật là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5-5kg. Giá bán loại gà này tại trang trại của anh là 500.000 đồng/kg với gà trống và 300.000 đồng/kg với gà mái. Giá gà con mới nở một ngày là 120.000 đồng/con. Còn loại 1 tháng tuổi từ 220.000 - 250.000 đồng/con. Đặc biệt, một con gà trống Đông Tảo thuần chủng, 8 tháng tuổi trở lên, dáng đẹp có giá từ 5-7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng, còn thông thường cũng phải 1,2-1,5 triệu đồng/con. Gà Đông Tảo là loài quen chạy nhảy, không quen nuôi nhốt, nên chuồng trại càng rộng càng tốt, gà sẽ nhanh lớn và thịt đảm bảo chất lượng hơn. Một trong những khâu cần chú ý là tiêm vắc-xin cho gà con ngay khi vừa mới nở. Hiện tại cơ sở của anh Bình có lượng gà Đông Tảo bán thịt và gà sinh sản trên 400 con. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh Bình có lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng.
![]() |
Anh Nguyễn Quang Bình với con gà Đông Tảo thuần chủng có giá bán trên 15 triệu đồng. |
Quận Bình Thủy hiện có trên 1.200ha đất trồng lúa, trên 2.300ha trồng cây ăn trái, với trên 4.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, Bình Thủy có 57%/số hộ nông dân đăng ký được công nhận "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi". Thời gian qua, quận Bình Thủy đã tạo điều kiện giúp cho các nông hộ phát triển sản xuất kinh doanh như hỗ trợ vốn, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm giao thông, thủy lợi… từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau màu, nuôi thủy sản, hoa kiểng, cây ăn trái… Từ đó, có trên 100 mô hình kinh tế hộ làm ăn có hiệu quả, thu nhập bình quân hằng năm trên 200 triệu đồng. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò sữa và kinh tế vườn của hộ ông Võ Thanh Cần, khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa; Mô hình trồng hoa kiểng của hộ ông Nguyễn Văn Dành, khu vực Bình An, phường Long Hòa…
Để tìm hướng đi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, thời gian qua, nông dân quận Bình Thủy dần cải tạo đất, chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả để sản xuất, góp phần nâng cao cuộc sống người nông dân. Để giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả, hằng năm, ngành nông nghiệp quận còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi…; hỗ trợ giống cây ăn trái chất lượng cao, rau màu, hoa kiểng cho bà con. Qua các lớp học tập, người dân học theo các gương điển hình về phát triển kinh tế một cách sáng tạo, linh hoạt. Họ vận dụng để phù hợp với điều kiện gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: Hằng năm, những mô hình hiệu quả kinh tế cao của quận đều tăng lên về số lượng và chất lượng. Đặc biệt trong đó xuất hiện nhiều mô hình mới đáp ứng với nhu cầu thị trường. Thời gian tới, Phòng Kinh tế có các biện pháp hỗ trợ bà con về kỹ thuật, nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm. Một hướng làm ăn mới ở Bình Thủy hiện nay là người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Bài, ảnh: NGUYỄN TÍN