Hỗ trợ Nhà máy May Vinatex ở huyện Vĩnh Thạnh tuyển dụng công nhân

Ngày đăng: 21-04-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Nhà máy May Vinatex Cần Thơ (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam) được xây dựng tại trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh, sẽ góp phần giải quyết lao động tại địa phương và "giữ chân" nguồn lao động trẻ, hạn chế tình trạng lao động rời xa quê hương đi tìm việc làm... Để đáp ứng nguồn lao động có tay nghề cung cấp cho nhà máy, ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh đang nỗ lực hỗ trợ Nhà máy trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động. 

Nhiều lao động tham gia lớp may công nghiệp do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thạnh tổ chức.

Theo Ban quản lý Nhà máy may Vinatex Cần Thơ, tháng 4-2015, Nhà máy May Vinatex Cần Thơ tại Trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh được khởi công xây dựng với diện tích 3ha, nhu cầu sử dụng trên 1.500 lao động, với năng suất sản xuất 4-5 triệu sản phẩm may mặc các loại/năm. Để hỗ trợ nhà máy ổn định sản xuất, đủ nguồn lao động tạo ra sản phẩm theo đúng kế hoạch, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, ngày 23-3-2015, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc dạy nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ năm 2015 và phục vụ nhu cầu lao động cho nhà máy Vinatex tại huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Công Trứ, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Thực hiện kế hoạch trên, ngay từ đầu năm 2015, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các lớp may công nghiệp phục vụ cho Nhà máy may Vinatex. Bên cạnh đó, phòng cũng làm việc với Ban quản lý Nhà máy may Vinatex để nắm được nhu cầu tuyển dụng, kế hoạch và phương pháp đào tạo, dạy nghề. Từ đó, chúng tôi đã triển khai đến các xã, thị trấn, ban nhân dân các ấp cùng tham gia vận động, tuyên truyền và đào tạo nguồn lao động cung cấp cho đơn vị sử dụng".

Theo đó, năm 2015, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp cùng các tổ chức, các trường dạy nghề trên địa bàn huyện và TP Cần Thơ tổ chức dạy may cho lực lượng lao động tại địa phương. Qua đó, đã mở được 26 lớp may công nghiệp, với tổng số 825 lao động tham gia học nghề. Qua kết quả rà soát, thống kê có có 353 lao động có nghề may trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có nhu cầu làm việc tại Nhà máy May Vinatex. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các ấp, xã, thị trấn cũng vận động được khoảng 150 lao động có nghề may đi lao động ở địa phương khác đồng ý ở lại quê hương, làm việc tại Nhà máy May Vinatex. Ông Nguyễn Công Trứ cho biết thêm: "Các lớp dạy may công nghiệp đều được đào tạo theo chương trình đào tạo của Nhà máy May Vinatex tổ chức, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của đơn vị. Trong đó, Vinatex tham gia từ các khâu ban đầu như tuyển chọn độ tuổi theo học; tham gia kiểm tra, sát hạch trong suốt quá trình đào tạo; hỗ trợ kim, chỉ, vải cho lớp học... Tính đến nay, tổng số lao động được đào tạo nghề may trong các năm trước, nguồn vận động lao động từ nơi khác về, nguồn lao động được đào tạo may công nghiệp trong năm 2015 và 2016 cung cấp cho Nhà máy May Vinatex là 1.538 người, đảm bảo đủ nguồn để nhà máy tuyển chọn".

Theo Ban quản lý Nhà máy May Vinatex, đến tháng 4-2016, nhà máy đã nhận được 1.668 hồ sơ xin tuyển dụng lao động. Trong đó, có 496 hồ sơ là ứng viên quản lý (nhu cầu tuyển chỉ 200 lao động); 902 hồ sơ công nhân (trong đó có 557 lao động biết nghề may); 270 hồ sơ của người lao động (trên 31 tuổi) đều có tay nghề và kinh nghiệm làm việc. Ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Nhà máy May Vinatex, cho biết: "Qua xem xét, kiểm tra, phỏng vấn nhiều lao động dự tuyển, nhà máy đã tuyển chọn được hàng trăm lao động có tay nghề đủ yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ còn lại, hiện nhà máy vẫn còn thiếu nguồn lao động khoảng 700 người, chủ yếu là công nhân may. Do đó, việc tuyển thêm lao động ở các quận, huyện lân cận Vĩnh Thạnh là cần thiết, cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương".

Hiện Nhà máy May Vinatex đã đưa vào hoạt động 2 dây chuyền may công nghiệp và đã sử dụng 260 lao động tại địa phương, gồm cán bộ quản lý và công nhân may. Ban quản lý Nhà máy May Vinatex lo ngại nhà máy có khả năng thiếu nguồn lao động khi nhiều dây chuyền may sắp đưa vào hoạt động trong những tháng tới. Để cung cấp đủ nguồn lao động cho nhà máy hoạt động ổn định, ông Nguyễn Công Trứ khẳng định: "Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đang phối hợp với ngành lao động huyện Vĩnh Thạnh đào tạo 7 lớp may công nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Các lớp may này có gần 250 học viên, phương pháp đào tạo theo yêu cầu của nhà máy. Dự kiến đầu tháng 5-2016 sẽ bế giảng và cung cấp lao động cho nhà máy. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã chỉ đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường phối hợp cùng Ban quản lý Nhà máy May Vinatex vận động, tuyên truyền, tuyển chọn và dạy nghề may công nghiệp cho người lao động có nhu cầu làm việc tại Vinatex, nhằm tiếp tục cung cấp lao động cho nhà máy. Đây là hoạt động không những góp phần giải quyết lao động tại các địa phương, mà còn hạn chế tình trạng người lao động rời quê tìm việc làm ở nơi xa...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN