Hoạt động giám sát 6 tháng đầu năm 2013
của Ban văn hóa - xã hội HĐND thành phố Cần Thơ
Thực hiện Chương trình giám sát số 06/CTr-VHXH ngày 21/12/2012 và chỉ đạo phân công của Thường trực HĐND thành phố Ban văn hóa - xã hội của HĐND thành phố đã tiến hành giám sát, khảo sát một số nội dung sau: Tình hình thực hiện một số chính sách cho đồng bào dân tộc; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non trong hệ thống cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập và thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tình hình thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; tình hình đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và nạn bạo lực học đường; về chất lượng dạy học trong các trường công lập và ngoài công lập; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản dành cho giáo dục năm 2012 và năm 2013; việc đặt tên, đổi tên công trình công cộng trình tại kỳ họp 8 HĐND thành phố.
Kết quả giám sát cho thấy:
Nhìn chung, các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố có tinh thần đoàn kết, sống gắn bó với dân tộc Kinh trong cộng đồng; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ta, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống; tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể.
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn và vùng phụ cận; lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến sự phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo của địa phương. Nguồn vốn xây dựng cơ bản dành cho giáo dục, nhất là nguồn thu từ xổ số kiến thiết để xây dựng trường học và các cơ sở giáo dục dạy nghề khác được thành phố ưu tiên đầu tư cho giáo dục với tỷ lệ cao so với các ngành khác. Tính đến nay, thành phố có 26 trường mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia và mỗi năm số lượng trường đạt chuẩn tăng đáng kể. Đây là một trong những nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố; các quận, huyện xác định được nhu cầu vốn cần thiết để đầu tư xây dựng cho giáo dục thực hiện phân bổ đúng tỷ lệ quy định 70% vốn xổ số kiến thiết dành cho giáo dục - dạy nghề, y tế. Trong thời gian qua, tại các trường đều xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng giáo dục như: Kiểm tra chọn học sinh giỏi, kế hoạch kiểm tra học kỳ, kiểm tra chuyên môn giáo viên, tổ chuyên môn, kiểm tra toàn diện tổ chuyên môn và giáo viên, tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường. Đối với trường chuyên thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Sở Giáo dục và Đào tạo; đầu tư, cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao ý thức học tập cho học sinh các trường chuyên. Qua đó, đánh giá được chất lượng giảng dạy của giáo viên và chất lượng học sinh, phân tích yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh và chất lượng chuyên môn của giáo viên, đề ra các giải pháp khắc phục. Tại các trường chưa xảy ra nạn bạo lực học đường, chỉ mới xảy ra các vụ va chạm giữa các học sinh chưa đến mức trở thành nạn bạo lực.
Tuy nhiên, qua giám sát nhận thấy một số hạn chế, đó là:
Một số địa phương việc triển khai và thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc chưa được thường xuyên, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chậm; công tác chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo từng lúc, từng nơi còn hạn chế; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Khmer đã được cải thiện, nhưng nhìn chung tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của thành phố. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên tuy được quan tâm, nhưng thực hiện còn chậm. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên là dân tộc thiểu số tham gia các cấp, các ngành còn ít, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT nên ở các quận, huyện gặp không ít khó khăn trong việc hiểu và áp dụng chi trả các chế độ đối với giáo viên mầm non; Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 về việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3 tuổi, 4 tuổi. Các chế độ cho các đối tượng khác như: Cấp dưỡng, bảo mẫu,… chưa có quy định (tuyển dụng, lương, phụ cấp, hỗ trợ thêm giờ và hưởng các chế độ an sinh xã hội khác).
Thành phố hiện còn thiếu 244 phòng học dành cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Còn 3 huyện (Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh) chưa có trường trọng điểm; 5 phường, thị trấn (phường Bùi Hữu Nghĩa, phường Trà An, quận Bình Thủy; phường Tân Hưng, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt; thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) chưa có trường mầm non, mẫu giáo; có 22 trường mầm non, với hơn 43 điểm lẻ chưa có cơ sở vật chất riêng phải học nhờ trường tiểu học và nhà dân; cá biệt có trường có đến 6 điểm lẻ: Trường Mẫu giáo Thường Thạnh (quận Cái Răng), Trường Mầm non Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ). Nguồn kinh phí thực hiện phổ cập còn khó khăn, bất cập, đầu tư dàn trải. Quỹ đất dành cho giáo dục mầm non còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách khuyến khích đối với giáo dục mầm non chưa đủ sức thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia; chưa có cơ chế kịp thời và phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non. Tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chậm so với kế hoạch đề ra; nhu cầu vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho giáo dục là rất lớn ở một số quận, huyện (Ninh Kiều, Cái Răng, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn) nhưng nguồn vốn phân bổ còn hạn chế, không đủ để đầu tư một số công trình trọng điểm, bức xúc tại địa phương. Công tác quy hoạch để đầu tư xây dựng công trình giáo dục thực hiện chậm, thiếu quỹ đất sạch để xây dựng, chưa mang tính đồng bộ. Một số quận, huyện đầu tư xây dựng còn dàn trải, manh mún cho các công trình, hạng mục, chưa xác định công trình, hạng mục nào là mũi nhọn, trọng điểm để tập trung đầu tư dứt điểm; có địa phương chưa quan tâm ưu tiên vốn xổ số kiến thiết cho đầu tư xây dựng các công trình trường học (quận Bình Thủy) còn 02 phường: Trà An, Bùi Hữu Nghĩa chưa có trường mầm non, mẫu giáo. Hầu hết các quận, huyện chưa xác định, phân tích rõ những công trình cần bổ sung số vốn, chưa xác định được các nguồn vốn (xổ số kiến thiết, ngân sách địa phương, xã hội hóa, cần thành phố hỗ trợ).
Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trường THCS Phong Điền cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học chưa đáp ứng yêu cầu học tập; trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy còn thiếu; ký túc xá chưa đáp ứng được nhu cầu và đang xuống cấp (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú); Phòng bộ môn phải dùng chung, nhiều phòng chức năng chưa đáp ứng yêu của việc giảng dạy và học tập,… Diện tích và cơ sở vật chất Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng chưa đáp ứng yêu cầu của trường chuyên, thiếu nhiều phòng chức năng đạt chuẩn của trường chuyên. Đây là cơ sở để Ban văn hóa - xã hội của HĐND thành phố báo cáo và kiến nghị đến Thường trực HĐND thành phố về thuận lợi, khó khăn của địa phương, kịp thời có giải pháp giúp địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, đây cũng là cơ sở để Ban thẩm tra về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ của UBND thành phố trong công tác điều hành, chỉ đạo những tháng cuối năm 2013.
Trích: Báo cáo số 69 /BC-HĐND-TT ngày 26/6/2013
Ngọc Hiếu