Hoạt động giám sát tư pháp của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND thành phố Cần Thơ thời gian qua - thực trạng, giải pháp và kiến nghị

Ngày đăng: 19-01-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

1. Khái quát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát tư pháp của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND cấp tỉnh

Giám sát tư pháp là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

So với quy định trước đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, quy định bổ sung thêm 3 hình thức giám sát hoàn toàn mới thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh, đó là: Tổ chức hoạt động giải trình, xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Bởi lẽ, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND cấp tỉnh không phải là cơ quan có địa vị pháp lý rõ ràng và hoạt động thường xuyên của HĐND giữa 02 kỳ họp. Luật cũng không quy định Thường trực HĐND tổ chức phiên họp hằng tháng để thực hiện nhiệm vụ và tổ chức việc giám sát của Thường trực HĐND bằng các hình thức đã nêu. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã khắc phục được điểm bất cập này và Thường trực HĐND đã có địa vị pháp lý rõ ràng. Luật đã quy định rõ việc tổ chức phiên họp hằng tháng của Thường trực HĐND và các hình thức giám sát của Thường trực HĐND. Qua đó, đã nâng cao được vai trò và hiệu lực hoạt động thực sự của Thường trực HĐND bằng các hình thức giám sát nêu trên.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND cấp tỉnh được quy định tại Điều 6, Điều 19, Điều 87, Điều 104, Điều 106, Điều 108, Điều 109, Điều 111 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và từ Điều 66 đến Điều 82 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Nhiệm kỳ 2016 -2021, thành viên Ban pháp chế HĐND thành phố có 8 đại biểu, trong đó có 1 Trưởng Ban và 02 Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách, cơ cấu các đại biểu hoạt động không chuyên trách thuộc các cơ quan như: Ban Nội chính, Viện kiểm sát, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự và Hội Cựu chiến binh thành phố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Ban pháp chế có phân công 1 Phó Trưởng Ban phụ trách theo dõi hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND thành phố phụ trách lĩnh vực tư pháp đều là những đại biểu có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và am tường các hoạt động trọng tâm của các cơ quan tư pháp.

2. Về thực trạng công tác giám sát tư pháp của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND thành phố Cần Thơ

Trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ 2011 - 2016, cũng như căn cứ các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND, Ban pháp chế của HĐND thành phố Cần Thơ đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp, cụ thể như sau:

2.1. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Thường trực HĐND thành phố liên quan đến các cơ quan tư pháp

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực tư pháp chủ yếu thông qua công tác tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Thời gian qua, hoạt động giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn được Thường trực HĐND thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát, thực hiện thường xuyên và đưa vào Chương trình giám sát hàng năm của HĐND thành phố.

Để phục vụ tốt cho công tác giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ đã thành lập Tổ Công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thành viên của Tổ là các cán bộ, công chức phụ trách chuyên môn của Văn phòng HĐND thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 02 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri với nhiều nội dung liên quan hoạt động của các cơ quan tư pháp. Qua giám sát cho thấy, các cơ quan tư pháp thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền và có văn bản báo cáo kết quả thực hiện đến Thường trực HĐND thành phố.

Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND thành phố thời gian qua là cơ sở để Thường trực HĐND xem xét đánh giá trách nhiệm trong việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đó cũng là căn cứ nhằm bảo đảm ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cử tri, thể hiện trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước đối với quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương; đặc biệt, thể hiện trách nhiệm của chính quyền đối với những nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân, giúp đại biểu HĐND theo dõi, giám sát kết quả thực hiện. Đồng thời, kết quả đạt được trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian qua góp phần quan trọng vào giải tỏa những vấn đề bức xúc của cử tri đặt ra, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với các đại biểu HĐND, cơ quan dân cử và với công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

2.2. Xem xét việc trả lời chất vấn và tổ chức hoạt động giải trình của Thường trực HĐND thành phố đối với Thủ trưởng các cơ quan tư pháp trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND

Thời gian qua, hoạt động chất vấn Thủ trưởng các cơ quan tư pháp được thực hiện chủ yếu ở các kỳ họp thường lệ của HĐND khi có những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri thành phố quan tâm; ngoài ra, tại các cuộc họp thẩm tra của Ban pháp chế, Thủ trưởng các cơ quan tư pháp đã tích cực cung cấp thông tin, giải trình làm rõ những tồn tại, hạn chế thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý, làm cơ sở quan trọng để hoàn thiện báo cáo của Ban, qua đó đã cung cấp thông tin để các đại biểu HĐND thành phố xem xét, cho ý kiến đối với hoạt động tư pháp.

Trong năm 2018, dự kiến Thường trực HĐND thành phố sẽ tổ chức một số hoạt động giải trình và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Thủ trưởng của các cơ quan tư pháp thành phố nhằm giúp cho các đại biểu cũng như các cơ quan hành chính nhà nước nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác những bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành pháp luật ở địa phương, qua đó thống nhất trao đổi, đưa ra các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND.

2.3. Giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND thành phố về một số nội dung hoặc hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật

Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND thành phố về Chương trình hoạt động giám sát hàng năm, Thường trực HĐND thành phố đề ra chương trình hoạt động giám sát năm và hàng quý, trong đó, phân công cụ thể nội dung do Thường tổ chức thực hiện giám sát, các Ban của HĐND thành phố giám sát, riêng Ban pháp chế thực hiện giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Qua đó, tạo nên sự thống nhất chung trong tổ chức thực hiện giám sát, không để xảy ra trùng lắp về nội dung, thời gian và đối tượng chịu sự giám sát. Nội dung giám sát đối với các cơ quan tư pháp có trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp và những vấn đề được sự quan tâm, phản ánh của đa số bà con cử tri. Hình thức giám sát đa dạng, giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua văn bản (báo cáo), giám sát đột xuất;... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND đã phân công cho Ban pháp chế trực tiếp giám sát 03 nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; an ninh trật tự trên địa bàn thành phố; hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thành phố; việc thực hiện Chương trình công tác trọng tâm ngành Tư pháp thành phố.

Ban pháp chế giám sát hoạt động của VKSND thành phố Cần Thơ
6 tháng đầu năm 2017

 

Ban pháp chế giám sát việc thực hiện Chương trình công tác trọng tâm
ngành Tư pháp thành phố năm 2017

Sau giám sát, Ban pháp chế đã kịp thời báo cáo Thường trực HĐND thành phố đề nghị các các cơ quan tư pháp có các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, hầu hết các kiến nghị giám sát đều được các cơ quan tư pháp quan tâm chỉ đạo, giải quyết và có báo cáo kịp thời đến Thường trực HĐND thành phố, Ban pháp chế. Tỷ lệ thực hiện các kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND và Ban pháp chế đạt khá cao. Sau giám sát, Thường trực HĐND, Ban pháp chế thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong hoạt động giám sát.

2.4. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến các cơ quan tư pháp của Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND thành phố

Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND thành phố thường xuyên tổ chức tiếp công dân tại nơi làm việc và nơi ứng cử nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phản ánh cũng như khiếu nại, tố cáo của công dân theo Luật định. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, Thường trực HĐND chỉ đạo Ban pháp chế và Văn phòng phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét và tham mưu Thường trực HĐND thành phố chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả đến Thường trực HĐND thành phố để thông tin cho cử tri. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban pháp chế cũng thường xuyên tham gia tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ.

2.5. Thẩm tra của Ban pháp chế HĐND thành phố đối với báo cáo hoạt động của các cơ quan tư pháp do HĐND, Thường trực HĐND phân công

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tại cuộc họp liên tịch chuẩn bị nội dung, chương trình của các kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đều yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tư pháp thành phố tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo công tác 6 tháng, hàng năm gửi về Thường trực HĐND thành phố trước ngày khai mạc kỳ họp 15 ngày để phục vụ cho công tác thẩm tra của Ban pháp chế của HĐND thành phố.

Thẩm tra các báo cáo của cơ quan tư pháp là nội dung khó, nhạy cảm, đòi hỏi đại biểu phải có trình độ chuyên môn và am hiểu sâu về lĩnh vực tư pháp, nhất là các khâu trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính… Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp mới sửa đổi, bổ sung yêu cầu mỗi đại biểu phải quan tâm, cập nhật mới đáp ứng được nhiệm vụ. Đồng thời, báo cáo của các cơ quan thường có đặc điểm khá dài, nhiều số liệu chuyên ngành nên đại biểu khó tiếp cận và đánh giá. Vì vậy, để phục vụ tốt cho công tác thẩm tra, Ban pháp chế thường chủ động làm việc với lãnh đạo các đơn vị yêu cầu nội dung báo cáo thật ngắn gọn, có đánh giá mặt đạt được, hạn chế, mốc thời gian số liệu giữa các đơn vị báo cáo phải thống nhất nhau. Căn cứ để Ban pháp chế đánh giá hoạt động của các cơ quan tư pháp chủ yếu dựa theo nghị quyết hàng năm của Quốc hội, định hướng chỉ tiêu của ngành, và so sánh với báo cáo thẩm tra của Ban vào cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, các báo cáo thẩm tra của Ban đảm bảo chất lượng, nêu bật được các kết quả tích cực, những vấn đề còn tồn tại hạn chế, đồng thời đưa ra được các kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp và kiến nghị với UBND thành phố trong việc phối hợp với các cơ quan tư pháp.

Hoạt động thẩm tra được Ban pháp chế của HĐND thành phố Cần Thơ chuẩn bị chu đáo, có phân công thành viên Ban nghiên cứu sâu các nội dung thẩm tra nên chất lượng của công tác thẩm tra ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ tính phản biện, có nêu rõ quan điểm, chính kiến của Ban. Cung cấp nhiều thông tin, luận cứ khoa học thực tiễn, giúp đại biểu HĐND thành phố có điều kiện thuận lợi trong việc xem xét các báo cáo cơ quan tư pháp trình tại các kỳ họp.

3. Kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động này

Qua thực tiễn công tác thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới, Cần Thơ có một số kiến nghị như sau.

Thứ nhất, để giúp HĐND giám sát hoạt động tư pháp có hiệu quả và thực chất hơn, cần phải đảm bảo số lượng và chất lượng các thành viên của Ban pháp chế HĐND thành phố. Trong nhiệm kỳ tới, cần quy định cả Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và 01 Ủy viên của Ban pháp chế hoạt động chuyên trách để đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, qua thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thành phố thời gian qua, cho thấy nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc, vì vậy, rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, đặc biệt là quy định rõ các chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm các kiến nghị nói chung và kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND nói riêng.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó quy định rõ việc phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri; xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo địa giới hành chính hoặc theo phân cấp ngành để từ đó xác định được đối tượng giám sát của Thường trực HĐND cấp tỉnh trong lĩnh vực này.

Thứ tư, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nhiều Hội nghị chuyên đề, tập huấn liên quan đến công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp cho Thường trực HĐND, Ban pháp chế HĐND các cấp tham gia, vì thực tế cho thấy, hoạt động giám sát tư pháp ở các địa phương, đặc biệt là Ban pháp chế HĐND cấp huyện còn khá lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện.

                                                                                 Quách Trọng Thiện