Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Ngày đăng: 17-05-2018 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ bảy, chiều 10-5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đa số ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết cải cách để chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được xác định trong Đề án; thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm Xã hội tối thiểu từ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm ở các nước xung quanh thiết kế tối đa là 20 năm, thông thường là từ 10-15 năm và có thể cho phép linh hoạt. Nhưng đương nhiên, thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm. Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đây là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này. Điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn.

Cùng quan điểm cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh kinh tế-xã hội, dân số nước ta đã có nhiều thay đổi, với các lý do về tăng tuổi thọ, già hóa dân số, về khả năng làm việc, về quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà thấy rằng cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm không có sự thay đổi quá nhanh, đột ngột và dẫn đến nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng, trong đó cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị cần tách bạch bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc và hoạch toán độc lập riêng như bảo hiểm nhân thọ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu một trong những nguyên nhân mà số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn ít là do hiện nay bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ chế độ hưu trí và tử tuất. Đánh giá Đề án có những bước tiến bộ khi xác định bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới sẽ từng bước mở rộng sang các chế độ khác, đại biểu đồng tình cần có các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt và đề nghị cần triển khai sớm gói này, đặc biệt là cần bổ sung chế độ thai sản.

NGUYỄN SỰ- QUỲNH HOA (TTXVN)