Hợp lực đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội

Ngày đăng: 26-02-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

Giai đoạn 2016-2020, TP Cần Thơ xác định tập trung đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng xã, huyện nông thôn mới, hạ tầng đô thị đồng bộ với phương châm "Phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội tiện ích gắn với chỉnh trang đô thị, khai thác có hiệu quả quỹ đất, tạo vốn tái đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật". Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện đăng ký nhu đầu đầu tư trung hạn để huy động hợp lý các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chuẩn bị tốt cho đầu tư trung hạn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 46.583 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương 27.453 tỉ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 5.677 tỉ đồng; nguồn vốn trái phiếu chính phủ 5.153 tỉ đồng; còn lại là nguồn vốn ODA. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việc dự kiến khả năng nguồn vốn đầu tư công và bố trí vốn cho các dự án thuộc các ngành và lĩnh vực được tính đến thời điểm hiện tại đối với những dự án có quyết định chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền và xem xét bổ sung thêm một số dự án quan trọng do các sở, ngành, quận, huyện đề xuất. Sở sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo cân đối được nguồn vốn đầu tư sau khi Trung ương thông báo chính thức về nguồn vốn. 

Người dân tham quan mô hình trưng bày, giới thiệu thành tựu tiêu biểu, nổi bật về kinh tế - văn hóa - xã hội và quy hoạch phát triển của TP Cần Thơ tại Hội chợ MekongExpo 2015. 

Hiện các sở ngành thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội;... Theo ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, Sở sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch ngành giao thông vận tải TP Cần Thơ, làm cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông TP Cần Thơ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Trên cơ sở các quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, các tuyến đường tỉnh quan trọng, đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, xây dựng các trục đường vành đai, đường trục chính đô thị đạt lộ giới theo quy hoạch, xây dựng các đường gom đô thị kết nối với đường trục chính để kết nối đồng bộ từ quốc lộ đến đường tỉnh, đường quận, huyện. Giải pháp đi kèm là cần tập trung huy động các nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ, ngân sách thành phố, vay ODA, kêu gọi đầu tư theo các hình thức PPP, BOT, BT…

Phân bổ nguồn lực hợp lý

Bên cạnh các dự án đầu tư công, giai đoạn 2016-2020, thành phố cũng dự kiến kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách 46 công trình dự án quy mô lớn với ước tính tổng mức đầu tư hơn 62.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 28 dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhưng chưa dự kiến được tổng mức đầu tư. Việc kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách được xem là yêu cầu quan trọng để bổ sung vào nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng ở địa phương, góp phần giảm áp lực cho ngân sách. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quận đang tiếp tục phối hợp các sở ngành đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư hai bên đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Cồn Khương và Cồn Sơn trong năm 2016. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia xây dựng chợ, trung tâm thương mại góp phần phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng và phát triển kinh tế-xã hội. Quận cũng tiếp tục kiến nghị thành phố đầu tư đường 918 nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại dịch vụ và khai thác các điểm di tích trên địa bàn...

Trong danh mục 46 dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách, có 8 dự án đang triển khai thực hiện, 13 dự án do nhà đầu tư đề xuất nhưng chưa có chủ trương đầu tư, 11 dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa, 11 dự án kêu gọi đầu tư đối tác công tư (PPP). Các dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa dự kiến tổng mức đầu tư chủ yếu là những dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; khu công nghệ thông tin tập trung, dự án xây dựng các khu đô thị trên địa bàn quận, huyện, xây dựng nhà máy nước, bến xe khách, bãi đỗ xe buýt… Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Sở sẽ khẩn trương rà soát, kiến nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phạm vi, đối tượng khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, xã hội hóa đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo và giao các sở chuyên ngành có liên quan đến kêu gọi thực hiện xã hội hóa đầu tư (như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng) trong nhiệm kỳ 2016-2020, mỗi sở phải đề xuất và thực hiện tối thiểu 1 dự án kêu gọi xã hội hóa thuộc lĩnh vực mình phụ trách; mỗi quận huyện phải thực hiện tối thiểu 1 dự án khai thác quỹ đất để tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại địa phương mình.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành hữu quan về rà soát các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách thành phố và các dự án kêu gọi xã hội hóa giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống yêu cầu các sở, ngành thành phố cần tập trung hơn nữa đối với các dự án mời gọi đầu tư ngoài ngân sách. Các sở ngành sử dụng nhiều vốn xây dựng cơ bản phải đề xuất dự án thu hút đầu tư theo lĩnh vực mình quản lý, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố để làm cơ sở thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đáp ứng mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội của thành phố.

MINH HUYỀN