“Hương quê” ở Phong Điền

Ngày đăng: 22-04-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

(CT)- Đất Phong Điền vốn nổi danh với ban đờn ca tài tử (ĐCTT) đầu tiên của Cần Thơ, quê hương của nhiều tài hoa nghệ thuật cải lương như NSND Tám Danh, soạn giả Điêu Huyền, nhạc sư Sáu Hóa... Mạch nguồn đờn ca ấy vẫn được tiếp nối trong đời sống tinh thần của người Phong Điền hôm nay qua khoảng 100 CLB ĐCTT tỏa khắp các xóm ấp, mà dẫn đầu là CLB Hương quê..

Chuyện Hương quê

Tối 24-3, chúng tôi cùng dự một buổi sinh hoạt với CLB ĐCTT Hương quê, trực thuộc Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Phong Điền, tại ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Xóm nhỏ vùng ven vốn khoảng 7-8 giờ tối đã vắng vẻ, nhưng hôm ấy nhộn nhịp bởi nhiều người lui tới thưởng thức đờn ca. Chuyện trao đổi ca bản Oán sao thật mùi, chẻ nhịp vọng cổ sao cho đúng điệu… cứ râm ran trong xóm. 

Buổi sinh hoạt CLB ĐCTT Hương quê tại Tân Thới, Phong Điền. 

Ông Trần Văn Nuôi (tự Ba Nuôi, 73 tuổi), chủ nhiệm CLB, cho biết, CLB hoạt động từ đầu năm 2015, hiện có 14 thành viên là khách tri âm không chỉ ở Phong Điền mà cả quận Ninh Kiều, huyện Thới Lai hay huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt tại nhà một thành viên vừa để thúc đẩy phong trào ĐCTT vừa kết chặt tình nghĩa. Hôm sinh hoạt ở nhà anh Phòng Ngọc Vinh, ở ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, anh nói: "Tôi mê đờn ca từ nhỏ nên thường tham gia đờn ca cùng hàng xóm. Nghe có CLB về chơi ai cũng háo hức chuẩn bị mấy hôm rày".

Hầu hết các thành viên CLB đều có thể hát gần hết 20 bài bản tổ trong ĐCTT và các điệu lý, bài vọng cổ. Điều đáng quý ở CLB là có đến 3 thầy đờn, sử dụng tốt các nhạc cụ: ghi-ta phím lõm, tranh và kìm. Nhờ những thành viên tâm huyết, nhiệt tình, CLB hoạt động tốt hơn 1 năm qua và có nhiều cống hiến cho ĐCTT ở địa phương. Điển hình như anh Nguyễn Hữu Quyền, nhà ở tận thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nhưng không buổi sinh hoạt nào anh vắng mặt, "Nghe các bạn đờn ca giới thiệu CLB nên tôi tham gia. Dù đi xa chút đỉnh nhưng CLB có thầy đờn giỏi, bạn ca tâm huyết. Gặp bạn đồng điệu tri âm thì xa xôi cách trở có là gì" - Anh Quyền nói.

Giữ lửa phong trào

CLB ĐCTT Hương quê là một trong những điển hình của nỗ lực gầy dựng lại phong trào ĐCTT của Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Phong Điền. Trước đây, có thời gian phong trào ĐCTT Phong Điền có phần trầm lắng. CLB Hương quê được xây dựng như "hình mẫu": xây dựng đội ngũ nòng cốt giỏi nghề, sinh hoạt đúng "chất" tài tử với những bài bản cổ và mỗi buổi sinh hoạt đều có mời cán bộ văn hóa các xã của huyện đến dự để rút kinh nghiệm. Cũng từ CLB Hương quê, mô hình liên kết với Đài Truyền thanh huyện thu thanh và phát sóng các tiết mục ĐCTT là cách làm mới, tạo "đầu ra" và động lực để các nghệ nhân gắn bó với đam mê.

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có khoảng 100 CLB ĐCTT, phân bố đều ở các ấp. Một số điểm sáng của phong trào như CLB ĐCTT Bầu Ấu, CLB ĐCTT Giàn Gừa (Nhơn Nghĩa), CLB ĐCTT Thới An B (Giai Xuân)…

Sự phát triển ĐCTT ở Phong Điền còn nhờ những nghệ nhân tâm huyết "gìn vàng, giữ ngọc". Đó là soạn giả Trương Huy Hoàng, người có duyên viết lời mới cho bài bản tài tử, sáng tác vọng cổ, chập cải lương và đạt nhiều giải thưởng. Hay là ông Năm Chi- trụ cột của CLB ĐCTT Thới An B, xã Giai Xuân, luôn sẵn lòng hướng dẫn, chỉ dạy, tìm đường để các thành viên trong CLB có thêm thu nhập từ nghề ca hát. Ông Năm Chi chia sẻ: "Theo nghiệp ĐCTT mà sống để bụng chết mang theo thì vô nghĩa lắm. Tôi cố gắng chỉ dẫn cho nhiều người để giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống này".

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Phong Điền, cho biết, cái khó cho phong trào ĐCTT ở địa phương là thiếu nghệ nhân đờn; nhiều nghệ nhân ca cũng chưa thật bài bản. Trong năm 2016, Trung tâm dự định kết hợp với Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật TP Cần Thơ mở lớp tập huấn cho các nghệ nhân ĐCTT. Về lực lượng kế thừa, bên cạnh Liên hoan ĐCTT huyện Phong Điền tổ chức 2 năm 1 lần để giữ lửa phong trào và phát hiện nhân tố mới, trong năm 2016, Trung tâm sẽ kết hợp với các trường THPT trên địa bàn để thành lập CLB ĐCTT trong trường học, huy động học sinh đam mê đờn ca tham gia. "Chúng tôi chọn Trường THPT Phan Văn Trị thí điểm, nhân rộng. Giới trẻ với niềm đam mê đờn ca sẽ giúp ĐCTT Phong Điền phát triển mạnh hơn trong tương lai"- ông Truyền nói.

*
* *

Một khi có sự quan tâm, tiếp sức của ngành văn hóa địa phương thì phong trào ĐCTT sẽ được vực dậy, tiếp lửa, người mộ điệu cũng có thêm động lực để gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Bài, ảnh: DUY KHÔI