Kiểm tra việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) (27.8)

Ngày đăng: 28-08-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

 Lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

(CT)- Chiều 26-8-2015, Đoàn kiểm tra việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS, sửa đổi) do ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai.

Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS (sửa đổi) trên địa bàn quận Ô Môn diễn ra đúng kế hoạch và chỉ đạo của thành phố. Thường trực HĐND quận chủ trì phối hợp với UBND, Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ban Thường trực UBMTTQ quận và Phòng Tư pháp quận tổ chức 9 hội nghị triển khai trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tổng số đại biểu dự là 761 người, có 78 lượt ý kiến. Đến nay, 3/7 phường đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân bằng phiếu. Việc lấy ý kiến bằng phiếu ở quận kết thúc vào ngày 26-8-2015…

Còn tại huyện Thới Lai, đến nay toàn huyện đã triển khai 33 cuộc, có 1.469 đại biểu tham dự, đóng góp 472 ý kiến. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; cướp tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy vì cho rằng việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao công tác tổ chức triển khai, thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS (sửa đổi) ở hai địa phương rất chặt chẽ, đúng kế hoạch. Ở quận Ô Môn có cách làm hay đó là phối hợp với ngành thuế gởi các phiếu lấy ý kiến đóng góp cho doanh nghiệp để phát tới người lao động. Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc lấy ý kiến bằng phiếu; tránh tình trạng phiếu lấy ý kiến không phát đến hộ dân mà do một số người thực hiện thay. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân mạnh dạn tham gia ý kiến đóng góp. Đồng thời, hai địa phương cần thực hiện tốt công tác tổng hợp phiếu đóng góp ý kiến nhân dân…

 Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS (sửa đổi) tại UBND quận Bình Thủy.

Tính đến thời điểm này, Thường trực HĐND quận Bình Thủy đã chủ trì phối hợp với UBND, UBMTTQ và Ban Tuyên giáo quận tổ chức triển khai Dự thảo BLHS (sửa đổi) trong cán bộ công chức, viên chức, cán bộ tại các khu vực và người dân trên địa bàn quận. HĐND 8 phường đã tổ chức 11 cuộc Hội nghị; 46/46 khu vực trên địa bàn quận tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu ra dân tại các cuộc họp nhân dân khu vực. Quận được phát 10.000 phiếu, phân bổ cho 8 phường và các phòng, ban, ngành, đoàn thể của quận… Dự kiến đến 26-8-2015 sẽ thu hồi các phiếu phát ra.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá công tác tổ chức triển khai, thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS (sửa đổi) của quận khá chặt chẽ; công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, quận cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, việc lấy ý kiến ở từng khu vực, nắm bắt ý kiến của người dân xung quanh công tác đóng góp Dự Bộ luật Hình sự (sửa đổi); tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu hơn về các quy định của dự thảo…

 Sáng cùng ngày, UBMTTQVN TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo BLHS (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên trình bày 8 vấn đề trọng tâm của Dự thảo BLHS (sửa đổi) cần đóng góp ý kiến của nhân dân. Đa số các đại biểu thống nhất với phương án 1 của 8 vấn đề trọng tâm trên. Theo các đại biểu, phương án này thể hiện sự tiến bộ và phù hợp với xu hướng hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý xoay quanh vấn đề như: việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản là phù hợp nhưng đề nghị điều chỉnh nâng giá trị tài sản trộm cắp bị xử lý hình sự lên 3 triệu hoặc 4 triệu đồng. Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế cũng được các đại biểu quan tâm đóng góp; trong vấn đề bổ sung một số tội danh mới có tội danh rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ, các đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn hành vi phạm tội của tội danh này. Đối với vấn đề bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, trong đó không thi hành án tử hình đối với tội danh cướp tài sản, các đại biểu cho rằng vấn đề này cần xem xét lại, vì hiện nay hiện tượng giết người rồi mới cướp của xảy ra nhiều, chưa kể sau khi bị cướp tài sản bị hại bị ảnh hưởng tâm lý về sau...

P.N- P.Y-C.H